Kazanlak là nơi tập hợp các nhà máy sản xuất vũ khí khổng lồ và những cánh đồng hoa hồng bất tận. Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát, ngành công nghiệp vũ khí của Bulgaria bùng nổ với doanh thu tăng mạnh, xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD năm 2022, gấp 3 lần mức cao nhất từng được ghi nhận.
Arsenal, nhà sản xuất vũ khí lâu đời nhất Bulgaria, đang có 7.000 công nhân làm việc trong nhà máy ở Kazanlak. Họ đang tuyển thêm người với hứa hẹn về quyền lợi hấp dẫn như nghỉ mát ở biển và nhiều ưu đãi khác. Công ty còn muốn thu hút những người Bulgaria đang làm việc ở nước ngoài hồi hương.
"Khi tuyển dụng, họ cho biết lượng đơn đặt hàng nhiều đến mức chúng tôi sẽ bận rộn trong ít nhất 5 năm", một công nhân mới cho biết hôm 22/3. "Tôi mới đến đây một tuần nhưng đã có ba đồng nghiệp mới".
Bulgaria, thành viên Liên minh châu Âu (EU), hạn chế chuyển vũ khí cho Ukraine vì mối quan hệ lịch sử với Moskva, nhưng phần lớn vũ khí và đạn dược sản xuất tại đây được các nước láng giềng Romania và Ba Lan mua lại rồi chuyển cho Kiev.
Những người lính Nga thời Sa hoàng đã tử trận khi chiến đấu chống Đế chế Ottoman để giúp Bulgaria giành độc lập vào thế kỷ 19. Nga từng coi Bulgaria là người bạn đáng tin cậy nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, Bulgaria đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với Moskva.
Kazanlak và "Thung lũng hoa hồng" xung quanh, địa phương nổi tiếng với sản phẩm nước hoa hồng, đã thiệt hại nặng nề khi các nhà sản xuất vũ khí mất thị trường do Liên Xô tan rã, dù xung đột ở Trung Đông làm hồi sinh nhu cầu về các loại vũ khí giá rẻ, chắc chắn như AR-M1, vào những năm 2010.
Yordan Ignatov, phó chủ tịch phòng thương mại địa phương, cho hay việc nhà máy Arsenal nhận nhiều đơn hàng hơn "có lợi cho cả thành phố".
"Năm ngoái, Kazanlak có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất toàn quốc sau thủ đô Sofia", ông nói, nhấn mạnh con số này bằng một nửa mức trung bình toàn quốc.
Đầu tư vào thành phố này cũng bùng nổ. "Người ta đổ xô tới đây mua nhà", nhân viên môi giới bất động sản Teodor Tenev nói.
Bulgaria là nơi chuyên sản xuất đạn dược cho vũ khí thời Liên Xô, những loại Kiev đang sử dụng nhiều nhất, dù Bulgaria muốn hiện đại hóa các cơ sở sản xuất để bắt đầu sản xuất đạn theo tiêu chuẩn NATO và các loại khác.
Ngành công nghiệp sản xuất đạn dược của Bulgaria ngày 20/3 đón thêm tin tốt khi các ngoại trưởng EU đồng ý kế hoạch 2 tỷ USD mua đạn pháo cung cấp cho Ukraine. Sofia không ký vào tuyên bố chung dù hưởng lợi từ thỏa thuận này.
Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton tuần trước thăm các nhà máy vũ khí ở Bulgaria. Ở Sopot, ông Breton đến VMZ, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Bulgaria. Nhà máy quốc doanh mới bổ sung thêm dây chuyền sản xuất loại đạn pháo 155 mm mà quân đội Ukraine đang cần.
Ngay khi Nga phát động chiến dịch, thủ tướng Kiril Petkov khi đó, người theo chủ nghĩa thân châu Âu, đã cố gắng giúp đỡ Kiev. "Chúng tôi ước tính một phần ba số đạn dược Ukraine cần trong giai đoạn đầu cuộc chiến đến từ Bulgaria", nhật báo Die Welt của Đức dẫn lời ông Petkov.
Tuy nhiên, việc cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine vẫn là vấn đề rất nhạy cảm ở Bulgaria. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Bulgaria kịch liệt phản đối trong bối cảnh đất nước tháng tới sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5 trong hai năm. Quốc hội Bulgaria tới nay chỉ cho phép vận chuyển một chuyến vũ khí hạng nhẹ và đạn dược tới Kiev.
Vladimir Milenski, đại tá quân đội Bulgaria đã nghỉ hưu, tiếc vì Bulgaria từ chối mở cửa cung cấp vũ khí cho Kiev.
"Nếu chúng ta cung cấp trực tiếp vũ khí cho Ukraine, điều này sẽ gửi tín hiệu chính trị mạnh mẽ cho thấy chúng ta không phải con tốt chính trị trong tay Nga", ông nói. "Gia nhập EU và NATO nhưng hành xử theo kiểu không xâm phạm lợi ích của Nga, nước đưa quân sang quốc gia khác, rốt cuộc vẫn là ủng hộ Nga".
Hồng Hạnh (Theo AFP)