Thông tin được Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói tại hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, tổ chức chiều 30/12 tại Hà Nội. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, viện, trường, địa phương tham dự sự kiện.
Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mới sau hợp nhất với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai bộ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Theo Bộ trưởng, sắp tới sẽ có rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, để hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
Theo Bộ trưởng Đạt, năm 2024 ngành đã có nhiều đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Một trong số đó là cơ chế, chính sách được hoàn thiện theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh, rộng trong các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Việt Nam dần hình thành một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.
Theo Bộ trưởng, năm 2024 là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Ông cho biết, có được kết quả này là sự nỗ lực của ngành cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương.
Nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, Bộ trưởng khẳng định thời gian tới tiếp tục xây dựng các định hướng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết năm 2025 Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Một trong số đó là sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng "tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển". Bộ sẽ tập trung xây dựng dự án Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai theo các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để lĩnh vực này thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Ông cho biết các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025 - 2030 cũng được rà soát, triển khai hiệu quả. Phát huy vai trò dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định rõ những công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Ngành cũng xác định phát triển mạnh nhân lực khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Định, ngành Khoa học và Công nghệ cũng xác định tập trung phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới... Nhiệm vụ này nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ông khẳng định, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết và ngành, để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số góp phần hiện thực hóa mục tiêu lớn của quốc gia.
Nhật Minh