Tại Trung Quốc, game online không chỉ dành cho giới trẻ mà còn thu hút người lớn tuổi. Fan Jinlin, người điều hành một số viện dưỡng lão tại Xuchang, tỉnh Hà Nam đã dạy các thành viên chơi trò chơi điện tử sau khi họ bày tỏ mong muốn "gần gũi hơn với con cháu".
"Nhiều người thành thạo các trò chơi trong vòng chưa đầy một tuần và một số có thể chơi giỏi hơn cả cháu của mình", Chinadaily dẫn lời nhân vật.
Statista - hãng nghiên cứu thị trường cho biết, Trung Quốc - một trong những cộng đồng chơi game lớn nhất thế giới, với 664 triệu người vào năm 2022. Sáu tháng năm ngoái, tổng doanh thu của trò chơi tại nền kinh tế thứ 2 thế giới này đạt 30,7 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4,3 tỷ USD), tăng 2,85% so với năm trước. Tính hết tháng 6/2022, có 552 triệu người Trung Quốc đã tham gia chơi trò chơi trực tuyến.
Trên thế giới, doanh thu ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến lần đầu tiên vượt qua 200 tỷ USD vào năm 2022, theo Statista. Các thị trường triển vọng gồm Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, theo báo cáo "Quy mô thị trường trò chơi trực tuyến, thị phần, báo cáo phân tích và dự báo khu vực 2022-2030" do Acumen Research and Consulting công bố vào tháng 6/2022.
Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 50% thị phần. Điều này đến từ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng, ngành công nghiệp game Trung Quốc đang phát triển và sự hiện diện của số lượng lớn các chuyên gia, game thủ tại Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc...
Là một trong những thị trường sôi động nhất của ngành, Việt Nam có 5/10 đại diện trong top 10 nhà phát hành game lớn nhất khu vực Australia, New Zealand và Đông Nam Á, theo bảng xếp hạng của App Annie trong năm 2020. Các công ty game Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng lượt game được tải nhiều nhất thế giới. "Cứ 25 game được tải, có một game do công ty Việt Nam sản xuất", báo cáo của App Annie nhấn mạnh.
Junde Yu, Tổng giám đốc mảng Game của App Annie cho rằng: "Việt Nam đang là thị trường màu mỡ cho các nhà phát hành game di động. Đất nước tự hào với nền văn hóa 'mobile first' và là nơi có 68 triệu người sở hữu điện thoại thông minh. 64% trong số đó đang sử dụng 3G, 4G hoặc 5G. Thời gian trung bình hàng ngày để chơi game là 3,9 giờ - nhiều hơn 10% so với người dùng trung bình ở Mỹ".
Trong Game Talks số đầu tiên ngày 28/12/2022 trên VnExpress, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, hiện nay cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là chuyển đổi số. Game là ngành công nghiệp hoàn toàn thích nghi, phù hợp cuộc cách mạng này. Gần ba tỷ người chơi game, với ông là "một con số khủng khiếp".
"Có lẽ trên thế giới chưa có ngành nghề nào đạt lượng người dùng đông đến như vậy. Độ tuổi người chơi game cũng trải dài, không chỉ giới trẻ mà còn có cả người cao tuổi. Vậy nên tiềm năng phát triển rất lớn", ông Tự Do nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng, game là ngành công nghiệp không khói, phát triển xanh và bền vững, đem lại lợi nhuận lớn cho đất nước. Game thu ngoại tệ, đồng thời cũng trở thành một ngành hiếm hoi có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Những người chơi chuyên nghiệp cũng có địa vị xã hội, đạt giải thưởng quốc tế, trở thành thần tượng. Nội dung các trò chơi không chỉ để giải trí mà có thể đem lại hiệu quả giáo dục tốt về trí óc nếu không lạm dụng. Vì vậy ông cho biết, hiện các cơ quan nhà nước Việt Nam đã bổ sung nhiều quy định để hạn chế mặt trái của ngành này, đồng thời phát huy mặt tích cực.
Một ưu điểm khác của thị trường trò chơi trực tuyến nằm ở việc không giới hạn địa lý. Các công ty tại Việt Nam có thể sản xuất rồi bán cho toàn thế giới, trở thành triệu phú USD. Đây là thế mạnh ở Việt Nam - một đất nước thị trường nhỏ, nếu chỉ làm game nội địa sẽ không đủ doanh thu, bù đắp chi phí.
Ông Tự Do lấy ví dụ với Flappy Bird để tiếp tục nhấn mạnh tiềm năng của ngành và cơ hội thành công với việc làm game rất lớn. Hay ở SEA Games 31, Thể thao điện tử (Esports) được công nhận như bộ môn thể thao, thi đấu tranh huy chương.
Trước sự sôi động của thị trường, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức Ngày hội Game Việt Nam- Vietnam GameVerse 2023, tại TP HCM. Đây là sự kiện lớn dành cho các game thủ cũng như người người đam mê, làm việc trong ngành công nghiệp game tại Việt Nam. Từ tháng 2 đến tháng 4, ngày hội tổ chức các Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop và Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt.
Song song với giải thưởng game, chương trình Cosplay Contest cũng đã khởi động từ 8/3. Đây là sân chơi dành cho cộng đồng người chơi hóa thân thành nhân vật game yêu thích. Hiện cosplay là một phần không thể thiếu trong các sự kiện liên quan đến game trên toàn cầu.
Minh Tú