"3.000 thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát Mikrob đầu tiên đã được chuyển đến khu vực tiến hành chiến dịch. Đây là khí tài được trang bị công nghệ AI, cho phép chúng tự động bám bắt mục tiêu được người vận hành lựa chọn", hãng thông tấn TASS của Nga cho biết hôm 22/1.
Theo nhà thiết kế Alexander Gryaznov, dòng drone Mikrob có thể liên tục bám bắt mục tiêu ngay cả khi đối phương tìm cách cơ động né tránh. Phi cơ cũng có khả năng cơ động tốt, đủ sức bay với tốc độ cao hoặc mang tải trọng lớn hơn so với thiết kế.
Nhà sản xuất còn đề cao thiết kế mô-đun của Mikrob, nhấn mạnh rằng nó có thể được sử dụng trong nhiều điều kiện chiến đấu khác nhau bằng cách hoán đổi linh kiện, như lắp thêm cảm biến ảnh nhiệt để hoạt động vào ban đêm và trang bị hệ thống liên lạc tùy chỉnh cho các tần số khác nhau.
"Thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga cho thấy hai tổ vận hành với 40 drone Mikrob đã phá hủy lượng khí tài có tổng giá trị vượt xa 3.000 drone vừa được bàn giao", ông Gryaznov nói.
Trang tin quân sự Top War của Nga cho biết Mikrob được phát triển bởi Cục Thiết kế Mikrob có trụ sở tại thành phố Novosibirsk, còn hệ thống dẫn đường do công ty Ploshchad tại thủ đô Moskva chế tạo.
Dòng drone này được đưa vào thử nghiệm thực tế ở chiến trường Ukraine từ năm ngoái và đã phá hủy một xuồng không người lái hồi tháng 7/2024. Những chiếc Mikrob tiếp tục hạ một xe tăng và một thiết giáp chở quân do Mỹ sản xuất sau đó một tháng.
Giai đoạn thử nghiệm hệ thống bám bắt tự động bằng AI bắt đầu từ tháng 10/2024 và những chiếc Mikrob đã phá hủy một số thiết giáp Ukraine.
Ngoài drone FPV và UAV tự sát Lancet, lực lượng Nga cũng trang bị công nghệ AI cho những dòng phi cơ tầm xa như Geran-2, nhằm tăng hiệu quả đòn tập kích mục tiêu tại Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu Vsevolod Chentsov tháng trước cho biết các cuộc tấn công bằng UAV Nga đang ngày càng tinh vi, trong đó dòng Geran-2 khó bị gây nhiễu hơn và tỷ lệ trúng đích liên tục tăng cao.
Phạm Giang (Theo TASS, Top War, Bulgarian Military)