Tổng thống Vladimir Putin ngày 30/1 điện đàm với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman để thảo luận về các mục tiêu cho cuộc họp của OPEC+, cho thấy Nga vẫn là một nhân tố có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Chính phủ Nga cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm nước này trong năm nay. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đầu tuần trước gặp những người đồng cấp Ai Cập và Pakistan sau khi trở về từ chuyến công du châu Phi.
Các nỗ lực ngoại giao được Nga tiến hành gấp rút trong bối cảnh phương Tây ngày càng tìm cách cô lập Moskva cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Những lời đe dọa về lệnh trừng phạt thứ cấp đã khiến nhiều nước giảm dần hợp tác với Nga, trong đó có các đồng minh Trung Á, vốn được coi là "sân sau" của Moskva.
Tuy nhiên, bình luận viên Mary Ilyushina của Washington Post cho rằng Nga đang tìm mọi cách phá thế cô lập mà phương Tây tạo ra, nhằm chứng minh nước này không bị ảnh hưởng quá lớn vì các lệnh trừng phạt, biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tẩy chay ngoại giao chưa từng thấy.
Khi công bố thông tin về chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, điều mà Bắc Kinh chưa xác nhận, Bộ Ngoại giao Nga tuần trước cho biết nước này và Trung Quốc đang hợp tác chống lại nỗ lực "thống trị thế giới" của Mỹ bằng cách bảo vệ thẩm quyền của Liên Hợp Quốc và thúc đẩy vai trò của G20, theo TASS.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng thế giới "quá lớn để châu Âu và Mỹ có thể cô lập bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt một nước lớn như Nga". Nhiều nước vẫn trao đổi và mua dầu khí Nga, ngay cả khi Moskva bị phương Tây quay lưng.
Tổng thống Putin không được mời dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, song Điện Kremlin cho rằng đây không phải là vấn đề lớn, nếu dư luận trong nước nhận thấy Nga vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, theo Fedor Krasheninnikov, nhà phân tích chính trị Nga ở Litva.
"Đối với ông Putin, điều quan trọng là cho cử tri thấy ông ấy là một lãnh đạo toàn cầu. Khi ông Lavrov tới công du châu Phi, hình ảnh trên truyền hình cho thấy không có sự cô lập nào với Nga cả'", Krasheninnikov nói.
Ngoại trưởng Lavrov trong chuyến công du gần đây tới Angola, Botswana, Eswatini, Eritrea và Nam Phi đã gặp các lãnh đạo châu Phi và phát đi thông điệp rằng trong khi Mỹ ưa chuộng các lệnh hạn chế và trừng phạt, Nga đưa ra một loại quan hệ đối tác thay thế mà không cần điều kiện tiên quyết hay yêu cầu chọn phe.
Hầu hết phát biểu của ông Lavrov trong cuộc họp với các lãnh đạo châu Phi ca ngợi cam kết của Moskva với châu Phi bất chấp áp lực từ Mỹ, đồng thời chỉ trích Washington "lôi kéo các nước châu Phi vào cuộc chiến tranh lai" chống lại Nga. Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc phương Tây sử dụng "những chính sách thuộc địa để khai thác các lục địa đang phát triển".
Đây là chuyến công du châu Phi thứ hai của ông Lavrov trong 6 tháng qua. Năm ngoái, ông tới thăm Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda và Ethiopia. Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông có ý định thăm 4 nước Bắc Phi trong tháng 2. Moskva cũng chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai vào mùa hè.
Các chuyến công du này dường như đã đạt được thành công. Nam Phi tháng trước nồng nhiệt chào đón ông Lavrov như "đối tác giá trị" và nói rằng "cuộc gặp tuyệt vời" đã giúp củng cố quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Ngoại trưởng Naledi Pandor cho rằng các cuộc diễn tập quân sự với Nga là động thái bình thường giữa những nước bạn bè.
Trung tướng Muhoozi Kainerugaba, con trai Tổng thống Uganda và có thể là người kế nhiệm ông, đã tuyên bố ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Ông năm ngoái đăng Twitter rằng "phần lớn nhân loại (không phải người da trắng) ủng hộ lập trường của Nga ở Ukraine". Uganda từ lâu được xem là một đồng minh của phương Tây trong các lĩnh vực hợp tác an ninh.
Thay vì cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế với Mỹ và Trung Quốc, Nga chọn con đường hợp tác quân sự, cung cấp vũ khí để đổi lấy thỏa thuận nhắm với các nước đang đối phó với các phong trào nổi dậy vũ trang, theo Krasheninnikov.
Tại Đông Á, Nga đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, quốc gia ngày càng lo ngại về cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và việc Moskva thiếu chiến lược rút lui rõ ràng.
Ngay trước thềm năm mới 2023, ông Putin đã đề nghị ông Tập tới thăm Moskva vào mùa xuân năm nay sau cuộc trao đổi trực tuyến. "Điều này sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh mối quan hệ Nga - Trung trong các vấn đề quan trọng", ông Putin nói.
Trung Quốc chưa chính thức chấp nhận lời mời, nhưng các quan chức Nga tuần này nói rằng họ kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm.
"Thông qua các nỗ lực chung, Nga và Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Chúng tôi biết rằng chuyến thăm sẽ trở thành sự kiện trọng tâm trong quan hệ song phương năm 2023", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Moskva và Bắc Kinh đã trở nên gắn kết hơn trong những năm gần đây, khi cả hai lãnh đạo đều tuyên bố về quan hệ đối tác "không giới hạn" và lên án quá trình mở rộng của NATO chỉ vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine.
Trung Quốc đã tránh chỉ trích Nga về cuộc chiến, cũng như lặp lại quan điểm của Điện Kremlin rằng cuộc xung đột là do NATO và Mỹ khơi mào. Bắc Kinh cũng là một trong số ít những nước tiếp tục ủng hộ Nga, nhưng không cung cấp vũ khí cho Moskva. Cuộc chiến kéo dài cũng làm tăng áp lực cho quan hệ hai nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã tỏ ra thất vọng trong cuộc gặp với ông Putin hồi tháng 9 năm ngoái tại Uzbekistan. Trong các cuộc trao đổi, ông Putin thừa nhận rằng Bắc Kinh có những "câu hỏi và lo ngại" về cuộc chiến, thừa nhận về quan điểm khác nhau giữa hai nước.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tháng trước nói rằng hai nước có "con đường mới rực rỡ" là cùng tồn tại hòa hợp và hợp tác cùng có lợi, đồng thời hứa hẹn hợp tác sâu sắc hơn trong năm 2023.
Nếu diễn ra như dự kiến, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa hai lãnh đạo Nga - Trung kể từ khi xung đột bắt đầu và có thể xóa đi những dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ hai nước.
Những nỗ lực ngoại giao của Nga trong năm qua gặt hái nhiều lợi ích, theo giới quan sát. Chúng giúp Nga đạt được các thỏa thuận mua vi mạch và máy bay không người lái từ nước ngoài, hay cam kết về dầu khí với Arab Saudi và các khách hàng khác, giúp làm giảm tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây.
Dù Nga có thể chứng minh họ không hoàn toàn bị cô lập, nhà phân tích Maxim Oreshkin ở Latvia chỉ ra rằng tình hình đã khác so với khi Moskva còn là một phần của nhóm 8 nước giàu nhất. Nga đã rời nhóm này vào năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea.
"Nga sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bị cô lập dù họ đang cố thoát ra khỏi nó. Nga đang từ bỏ các đối tác giàu có ở phương Tây, hướng tới châu Phi, nơi có một số quốc gia kém phát triển nhất", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)