Các ảnh vệ tinh do hãng Maxar và Planet Labs chụp ngày 13/12 cho thấy nhiều phương tiện mặt đất hơn thường lệ ở căn cứ không quân Hmeymim của Nga, bên cạnh sự xuất hiện của các vận tải cơ An-124, Il-76, An-32 và An-76.
Các nhà phân tích của Maxar cho biết một trực thăng Ka-52 tại căn cứ "đang đươc tháo dỡ, có thể là để vận chuyển đi". Họ cũng xác định rằng các bộ phận của một đơn vị phòng không S-400 "đang chuẩn bị rời khỏi vị trí triển khai trước đó ở căn cứ không quân".
Giới blogger quân sự ủng hộ Điện Kremlin đăng lên Telegram video một đoàn xe quân sự lớn đang hướng về căn cứ Hmeymim ở thành phố Latakia và một đoàn khác di chuyển tới căn cứ hải quân ở thành phố Tartus. Các đoàn xe này bao gồm xe tải treo cờ Nga, xe thiết giáp chở quân và các thiết bị khác.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết lực lượng Nga "tại các khu vực xa xôi nhất ở Syria đang rút về các căn cứ hải quân, không quân ở Latakia và Tartus".
"Mỗi ngày có 4-5 máy bay vận tải quân sự di chuyển qua lại giữa căn cứ Hmeymim và các sân bay Nga", GUR cho hay.
Tại căn cứ hải quân ở Tartus, hai hộ vệ hạm đóng tại cảng đang chờ bên ngoài căn cứ. Hoạt động rút quân bằng đường biển, nếu được tiến hành, sẽ diễn ra chậm hơn nhiều. GUR cho biết hai tàu Nga từng được sử dụng cho mục đích hậu cần quân sự đang trên đường từ biển Baltic đến quân cảng này.
Một quan chức Ukraine cấp cao nhận định Nga dường như đang đưa lượng lớn vật tư rời khỏi Syria. Tuy nhiên, chưa rõ động thái này là dấu hiệu bắt đầu của cuộc rút quân toàn bộ hay một phần.
"Còn quá sớm để đưa ra nhận định", Michael Kofman, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.
Nga hồi năm 2015 điều hàng nghìn binh sĩ vào Syria và triển khai không quân oanh tạc lực lượng chống chính phủ để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Sau khi giúp quân đội Syria đảo ngược tình thế và giành lại kiểm soát phần lớn đất nước, Nga rút bớt lực lượng và chỉ để lại các đơn vị đồn trú tại căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus.
Điện Kremlin cho biết tương lai của lực lượng nước này ở Syria phụ thuộc vào quá trình đàm phán với chính quyền mới tại Damascus, sau khi chính quyền của ông Assad bị lật đổ. Cựu tổng thống Syria đang ở Nga sau khi được cấp quyền tị nạn.
Để mất các căn cứ ở Hmeymim và Tartus sẽ là vấn đề mang tính chiến lược với Nga, do chúng được Moskva sử dụng làm trung tâm hậu cần cho hoạt động của nước này ở khu vực Địa Trung Hải và châu Phi.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm 12/12 cho biết Moskva đang có các cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang dẫn đầu liên minh chống chính phủ Syria, thêm rằng Nga hy vọng có thể duy trì hiện diện quân sự tại khu vực.
"Các căn cứ được thiết lập ở đó theo đề nghị của giới chức Syria nhằm chống lại các nhóm khủng bố và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", ông Bodanov nói. "Tôi nghĩ mọi người đều đồng ý rằng cuộc chiến chống khủng bố và tàn dư của IS vẫn chưa kết thúc".
"Cuộc chiến này đòi hỏi nỗ lực mang tính tập thể và sự hiện diện của chúng tôi cũng như căn cứ ở Hmeymim đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố trên toàn cầu", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm.
Giới quan sát nhận định Nga có thể đề xuất cung cấp cho chính quyền mới ở Damascus tiền, năng lượng, vàng hoặc kim cương mà Mosvka đang khai thác ở châu Phi, cũng như khả năng hợp tác chính trị sâu rộng hơn, để đối lấy việc được duy trì hiện diện ở Syria.
Phạm Giang (Theo Financial Times, Reuters)