"Các chuyên gia của chúng tôi đã phát triển mẫu thiết bị bay không người lái 'Ngày tận thế' để theo dõi phông phóng xạ và đảm bảo an toàn cho nhân sự trong trường hợp xả ra tấn công hạt nhân", Dmitry Kuzyakin, CEO của Trung tâm Giải pháp Không người lái Tích hợp (CUS), thông báo cuối tuần trước.
CUS là cơ quan chuyên phát triển drone cho Nga. Đây là lần đầu tiên Nga công bố dự án chế tạo mẫu drone giám sát phông phóng xạ, vốn là cơ sở để đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ trong môi trường trong kịch bản "ngày tận thế hạt nhân".
Theo Kuzyakin, mẫu drone góc nhìn thứ nhất (FPV) này sở hữu kích thước nhỏ, có thể cất gọn cùng với thiết bị dưới mặt đất. Nó có thể khả năng bay liên tục trong tối đa 20 phút ở chế độ vận hành chủ động. Phạm vi hoạt động của drone phụ thuộc vào điều kiện địa hình và chất lượng tín hiệu điều khiển, dao động từ 500 mét đến hai km tùy vào mức độ ô nhiễm phóng xạ ở khu vực vận hành.
"Tôi tin thế giới sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân và drone 'Ngày tận thế' của chúng tôi sẽ không bao giờ trở nên cần thiết. Tuy nhiên, việc không chuẩn bị trước cho những kịch bản xấu nhất là tội ác", Kuzyakin nói. Ông không công bố hình ảnh hay các thông tin khác về drone "Ngày tận thế".
Drone FPV là một trong các vũ khí chủ đạo hiện nay ở chiến trường Ukraine, có giá thành rẻ, dễ sản xuất. Chúng được hai bên sử dụng thường xuyên để tập kích các khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành và cả bộ binh, gây ra thiệt hại lớn cho đối phương.
Thông tin Nga phát triển drone FPV "Ngày tận thế" xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gần đây leo thang, trong đó Moskva đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ và các nước NATO khác nếu họ can thiệp trực tiếp vào xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu quân đội Nga tiến hành các cuộc diễn tập với đầu đạn hạt nhân chiến thuật, nhằm đáp trả các tuyên bố "khiêu khích" của phương Tây liên quan xung đột tại Ukraine.
Đợt diễn tập cách đây vài ngày đã bước sang giai đoạn thứ ba, với mục tiêu huấn luyện lực lượng vũ trang Nga cách sử dụng "vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong điều kiện chiến đấu", theo Bộ Quốc phòng nước này.
Nga ước tính có 5.580 đầu đạn hạt nhân và Mỹ sở hữu 5.044 đầu đạn, theo báo cáo năm 2024 của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Có 7 quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó có Triều Tiên, nước ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự chiến lược với Nga hồi tháng 6. Tuy nhiên, kho vũ khí nguyên tử của các quốc gia này được cho là nhỏ hơn rất nhiều so với Nga và Mỹ.
Phạm Giang (Theo TASS, Newsweek)