"Thổ Nhĩ Kỳ đang đề xuất hòa giải. Nếu có bất kỳ cuộc đàm phán nào, nhiều khả năng sẽ diễn ra trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ở Istanbul hoặc Ankara", cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết hôm 12/10.
Ông Ushakov thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan "có thể đề xuất vấn đề này" trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 13/10.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột Ukraine, duy trì quan hệ tốt với Nga và Ukraine, đồng thời hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
"Về nguyên tắc, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các biện pháp trừng phạt trái phép mà phương Tây ban hành. Lập trường của Ankara đã tạo thêm động lực giúp mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại", ông Ushakov nói.
Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, bao gồm cuộc gặp trực tiếp hồi tháng 3 giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, đàm phán hòa bình đã đình trệ từ đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin sau khi Điện Kremlin sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
"Tôi muốn nói với ông ấy là: đừng bao giờ nói không bao giờ", cố vấn Ushakov bình luận về phát biểu của ông Zelensky.
Ankara và Liên Hợp Quốc từng làm trung gian cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Moskva và Kiev. Theo thỏa thuận, ba cảng của Ukraine mà Nga đang kiểm soát được phép cho tàu chở ngũ cốc xuất cảng. Tuy nhiên, Moskva chỉ trích thỏa thuận này, cho rằng các chuyến hàng này đa phần chở tới châu Âu chứ không phải tới những nước nghèo, nơi đang cần ngũ cốc nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với hơn 200 người được trao trả. Ông Edorgan muốn thúc đẩy thương mại với Moskva trong lúc cố gắng ổn định nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc bầu cử vào tháng 6 năm sau.
Trước cuộc gặp tại Kazakhstan, ông Putin đề xuất thành lập trung tâm năng lượng ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đường ống dẫn khí Nord Stream phát hiện rò rỉ.
"Nga có thể di chuyển tới khu vực Biển Đen, con đường chính cung cấp nhiên liệu và khí đốt cho châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, biến nơi này thành trung tâm khí đốt lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông Putin nói trong một diễn đàn năng lượng tổ chức ở Moskva.
Hồng Hạnh (Theo AFP)