Đoàn xe quân sự Nga lăn bánh trên đường cao tốc về phía thành phố Tartus của Syria đầu tuần này. Máy bay cũng liên tục cất hạ cánh từ căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở tỉnh ven biển Latakia, miền tây Syria.
Trên đường phố Hmeimim, nhiều cửa hàng có bảng hiệu bằng tiếng Nga, dấu hiệu cho thấy hiện diện quan trọng của Nga ở Syria. Tuy nhiên, điều đó có thể kéo dài bao lâu sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ là câu hỏi chưa lời giải.
Lực lượng Nga từng giúp quân đội của ông Assad lật ngược tình thế trong cuộc nội chiến nổ ra ở Syria từ năm 2011. Chính phủ Assad năm 2017 ký thỏa thuận với Nga, cho phép Moskva sử dụng căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus trong 49 năm.
Song lực lượng đối lập ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus, buộc ông Assad phải rời đất nước. Lần này, lực lượng Nga đồn trú ở Syria đã không can thiệp, dù đã cấp quyền tị nạn cho ông Assad cùng gia đình.
Một tay súng nổi dậy canh gác sân bay dân sự cạnh căn cứ Hmeimim nói rằng "người Nga đang chuẩn bị rút khỏi Syria".
Ảnh vệ tinh do hãng Maxar và Planet Labs chụp ngày 13/12 cho thấy nhiều phương tiện mặt đất hơn thường lệ ở căn cứ không quân Hmeimim của Nga, bên cạnh sự xuất hiện của các vận tải cơ. Giới phân tích cho rằng rất có thể Nga đang chuẩn bị rời khỏi căn cứ này.
Syria vốn có ý nghĩa chiến lược với Nga, cả với tư cách đồng minh chính trị và vai trò là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng.
Căn cứ không quân Hmeimim và quân cảng Tartus đóng vai trò quan trọng cho phép Nga triển khai sức mạnh tại Địa Trung Hải và duy trì chỗ đứng ở Trung Đông. Hai căn cứ, được thành lập với hỗ trợ của ông Assad, là trung tâm cho chiến lược quân sự của Nga ở khu vực.
Điện Kremlin cho biết đang nỗ lực đàm phán với lực lượng nắm quyền mới ở Syria về hai căn cứ này, nhưng thừa nhận tương lai của chúng "vô cùng bấp bênh". Obeida Arnaout, phát ngôn viên chính phủ chuyển tiếp mới của Syria do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) bổ nhiệm, hôm 16/12 đề nghị Nga "xem xét lại hiện diện quân sự cũng như lợi ích của họ" trên lãnh thổ nước này.
Nếu phải rút quân khỏi Syria, Nga sẽ mất các khoản đầu tư cùng những khoản vay hàng triệu USD cho chính phủ ông Assad. Ngoài ra, những nỗ lực quân sự và ngoại giao mà Nga đã bỏ ra nhiều năm qua để bảo vệ ông Assad sẽ "đổ sông đổ bể".
Căn cứ không quân Hmeimim cũng là phần quan trọng trong hoạt động hậu cầu toàn cầu của Nga, tạo điều kiện thuận lợi để Moskva chuyển quân sang châu Phi.
"Nếu phải từ bỏ Hmeimim, Nga sẽ cần khẩn trương tái cấu trúc lại tuyến hậu cần. Họ có thể làm điều này, nhưng nó sẽ đòi hỏi tiền bạc, thời gian và công sức", Nikolay Kozhanov, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh thuộc Đại học Qatar kiêm nhà nghiên cứu của Chương trình Nga và Á-Âu, nói.
Hiện diện quân sự ở Syria từ lâu được xem là biểu tượng cho tầm ảnh hưởng chính trị của Nga trong những vấn đề Trung Đông, cũng như uy tín của Moskva đối với các đối tác.
"Chính quyền ông Assad sụp đổ đã giáng đòn mạnh vào cam kết của Nga như một đồng minh đáng tin cậy có khả năng đảm bảo an toàn cho các đối tác", Kozhanov nhận định.
Kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria, Nga đã định vị họ như "bên bảo trợ" cho sự ổn định khu vực và chính quyền ông Assad khỏi các mối đe dọa. Cuộc chính biến ở Syria sẽ phần nào làm sứt mẻ hình ảnh đó, theo Kozhanov.
"Ít nhất Moskva giờ đây sẽ rất khó để tuyên bố 'chúng tôi không bỏ lại ai phía sau'", ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Nga rút khỏi Syria sẽ phản ánh thay đổi trong chính sách đối ngoại của họ. "Nó cho thấy hiệu quả giảm dần trong nỗ lực khẳng định Nga là cường quốc toàn cầu có khả năng hoạt động trên nhiều mặt trận", Yavuz nhận xét.
Trong cuộc họp báo thường niên hôm 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã ngầm thừa nhận điều này. Ông nhận định Israel là bên hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình Syria hiện nay, nói rằng Israel đã tiến sâu 25 km vào lãnh thổ nước láng giềng và chiếm nhiều cứ điểm được Liên Xô xây dựng cho Syria.
"Chúng tôi hy vọng lực lượng Israel sẽ rời Syria vào ngày nào đó, nhưng giờ họ đang tăng cường lực lượng. Tôi nghĩ đã hàng nghìn binh sĩ đã hiện diện ở đó, có cảm giác rằng họ sẽ không rút quân mà còn củng cố vị trí đang kiểm soát tại đây", ông Putin cho hay.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng thiệt hại về chiến thuật và chiến lược với Nga ở Syria không phải là thảm họa.
Talha Yavuz, nhà phân tích của Daily Sabah, chính phủ chuyển tiếp mới ở Syria cũng có thể duy trì quan hệ với Nga để cân bằng quyền lực, tránh nguy cơ gây hấn từ Israel. Hơn nữa, Nga cũng có thể tận dụng quan hệ gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc khu vực, để tháo gỡ thế khó ở Syria.
Theo giới quan sát, sau chính biến ở Syria, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực chắc chắn sẽ được mở rộng. Khi chính quyền Assad sụp đổ, Ankara rõ ràng sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn đối với láng giềng phía nam và toàn bộ vùng Levant, khu vực nằm giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai ủng hộ dân quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA), lực lượng chiến đấu với người Kurd ở Syria. Ankara còn ngầm ủng hộ Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm dẫn đầu chiến dịch lật đổ chính quyền Assad.
Các nhà phân tích thêm rằng trong trường hợp xấu nhất, khi mất quân cảng Tartus ở Syria, Nga hoàn toàn có thể tìm cách đàm phán thỏa thuận về một căn cứ hải quân mới ở miền đông Libya.
"Dù gây tổn hại đáng kể ảnh hưởng của Nga trong khu vực, sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể giúp Điện Kremlin thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài ở Syria mà họ không cần thiết phải ở lại", Kozhanov nói.
Thùy Lâm (Theo AP, Daily Sabah, Reuters)