Ngoài kêu gọi tòa án liệt Meta vào danh sách tổ chức cực đoan, văn phòng Tổng công tố Nga hôm 11/3 cũng yêu cầu Cơ quan quản lý truyền thông quốc gia (RKN) chặn quyền truy cập vào Facebook và Instagram ở Nga.
Giới chức Nga cáo buộc các nền tảng mạng xã hội này đã cho phép hàng loạt bài đăng kêu gọi bạo lực chống lại công dân Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Nga nói thêm những công dân Nga sử dụng ứng dụng của Meta một cách thiện chí sẽ không gặp rủi ro nào. Những người sử dụng ứng dụng nhắn tin WhatsApp, cũng thuộc Meta, sẽ không bị coi là có hành động cực đoan, theo Ekaterina Mizulina, ủy viên hội đồng tư vấn cho chính phủ Nga về các vấn đề xã hội dân sự.
Thượng nghị sĩ Andrey Klishas, chủ tịch Ủy ban luật hiến pháp tại Thượng viện Nga, cũng đảm bảo các công dân Nga không bị trừng phạt nếu sử dụng thủ thuật để tiếp tục truy cập các nền tảng mạng xã hội của phương Tây đã bị RKN chặn.
Một số phương tiện truyền thông phương Tây trước đó đưa tin Meta đã quyết định chấp thuận "những bài đăng về cuộc chiến Ukraine, trong đó kêu gọi bạo lực chống lại lực lượng Nga hay Tổng thống Putin".
RKN hôm 11/3 cho biết họ đã yêu cầu Meta chính thức thừa nhận hoặc bác bỏ thông tin về quyết định thay đổi chính sách này.
Đại sứ quán Nga tại Washington kêu gọi chính phủ Mỹ kiểm soát quan điểm "chủ nghĩa cực đoan" của Meta. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thông tin về chính sách mới của Meta "thật khó tin".
"Những thông tin đó cần được xác minh và nghiên cứu cẩn thận. Chúng tôi hy vọng điều đó không phải thật, nếu không Nga sẽ có hành động mạnh mẽ để ngăn các hoạt động của công ty này", ông Peskov nói.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, một số nền tảng mạng xã hội trên thế giới đã có động thái phản ứng với Moskva. Mạng xã hội TikTok thông báo ngừng đăng tải video mới từ Nga, trong khi YouTube tuyên bố chặn các kênh truyền thông do "nhà nước Nga hậu thuẫn".
Ngọc Ánh (Theo RT)