Trang tin RusVesna của Nga hôm 26/10 công bố video từ camera trên máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa Geran-2, cho thấy nó tiếp cận rồi lao xuống một trạm biến áp tại tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine.
"Đây là hình ảnh đầu tiên của đòn tấn công bằng mẫu Geran-2 trang bị hệ thống dẫn đường quang - điện tử. Phiên bản này ra mắt trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Trung tâm Công nghệ Đặc biệt ở Saint Petersburg", trang tin Nga cho hay.
Trong video đăng trước đó, một chiếc Geran-2 bay khá gần mặt đất và vượt qua hàng loạt chiến hào bên dưới, nhưng không rõ thời gian và địa điểm ghi hình. Các thông số vận hành trong video đều được làm mờ để tránh lộ bí mật tác chiến.
"Đơn vị Stalinskiye Sokoly đã lắp camera lên dòng Geran và bắt đầu cuộc săn tìm những khẩu đội phòng không di động của Ukraine. Từ bây giờ, một số phi cơ sẽ có người điều khiển trực tiếp, nhằm đối phó lưới phòng thủ đối phương và bảo vệ UAV đồng đội", RusVesna thông báo.
Vijainder K. Thakur, nhà phân tích quân sự và cựu thiếu tá không quân Ấn Độ, nhận định hình ảnh trong video được quay bằng cảm biến quang - điện tử quân sự, không phải camera IP dân sự từng được lắp trên một số chiếc Geran-2 tập kích Ukraine hồi đầu năm.
"Loại cảm biến này giống như mắt thần, cho phép người điều khiển xác định mục tiêu thực sự và phân biệt chúng với mô hình giả. Những chiếc Geran-2 trang bị cảm biến quang - điện tử có thể đánh chính xác vào mục tiêu được chỉ định hoặc đánh dấu tọa độ cho phi đội UAV tự sát tấn công sau đó", ông nói.
Cảm biến quang học và đường truyền dữ liệu cũng bổ sung khả năng thay đổi đích đến sau khi phóng, biến Geran-2 thành "đạn tuần kích" chuyên quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể. Tính năng này vượt trội so với dòng Geran-2 nguyên bản, vốn chỉ có thể bay theo điểm mốc nạp sẵn và tấn công tọa độ cố định.
"Bằng cách kết hợp UAV Geran-2 thông thường với biến thể có cảm biến quang học, lực lượng Nga có thể áp dụng chiến thuật tấn công bằng bầy UAV theo từng đợt. UAV mang camera sẽ xác nhận kết quả của đợt tấn công, đồng thời tìm mục tiêu cho các đợt tiếp theo", Andrey Mitrofanov, biên tập viên trang tin quân sự TopWar của Nga, cho hay.
Khả năng điều khiển trực tiếp đòi hỏi UAV phải có đường truyền dữ liệu hai chiều với băng thông lớn, nhằm bảo đảm khả năng truyền video độ nét cao từ cảm biến về người vận hành và phát tín hiệu từ đài điều khiển đến máy bay theo thời gian thực. Điều đó khiến nhà sản xuất phải thay đổi thiết bị liên lạc và khó lòng triển khai đại trà trên hàng nghìn phi cơ.
Chưa rõ lực lượng Nga áp dụng phương thức thu phát tín hiệu nào trên phiên bản UAV tự sát mới, nhưng Ukraine từng thu được xác máy bay Geran-2 mang modem 4G gắn SIM của nước này.
Mitrofanov cho rằng SIM 4G là phương án tốt nhất khi không có kết nối vệ tinh tốc độ cao, nhưng nó cũng luôn đối mặt nguy cơ thiếu ổn định, dễ bị gián đoạn, băng thông nhỏ, độ trễ lớn và chỉ hoạt động hiệu quả ở những khu vực phủ sóng viễn thông.
Theo Mitrofanov, ngoài mục đích tăng hiệu quả tấn công, một trong những lý do khiến Nga gắn cảm biến quang học và đường truyền video cho Geran-2 là nhu cầu công bố hình ảnh máy bay hạ mục tiêu.
"Điểm khác biệt giữa xung đột hiện đại với các cuộc chiến trong quá khứ là hoạt động trên chiến trường ngày nay luôn gắn liền với truyền thông. Các bên không chỉ tìm cách hạ đối phương, mà còn cần bằng chứng để xác nhận điều này", Mitrofanov viết.
Geran-2 được cho là biến thể do Nga sản xuất dựa trên UAV tự sát Shahed-136 do Iran phát triển. Mỗi chiếc có tầm bay 2.500 km, tốc độ hành trình 185 km/h, được trang bị đầu nổ nặng 50 kg hoặc 90 kg tùy phiên bản.
Nga lần đầu sử dụng Geran-2 trong loạt trận không kích cuối năm 2022, nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng và cơ sở trọng yếu của Ukraine. Lực lượng Nga gần đây kết hợp Geran-2 với các loại tên lửa để áp đảo phòng không Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo TopWar, Eurasian, AP, AFP)