Mô hình vừa phát hành bởi IBM và Hugging Face. Theo AI News, đây là mô hình không gian địa lý lớn nhất trên Hugging Face, đồng thời đánh dấu nền tảng AI nguồn mở đầu tiên phát triển với sự cộng tác của NASA.
Trước thời điểm phát hành, IBM và NASA có hơn một năm cùng huấn luyện dữ liệu vệ tinh Harmonized Landsat Sentinel-2 (HLS) trên khắp nước Mỹ. Báo cáo từ đơn vị cho thấy hiệu suất xử lý dữ liệu cải thiện đến 15%.
Mã nguồn mở công khai để các đơn vị có thể chủ động ứng dụng, tích hợp vào hệ thống riêng. Với sự tinh chỉnh thêm, mô hình có thể điều chỉnh để tạo ra hệ thống AI linh hoạt, thông minh vượt trội nhờ kho dữ liệu vệ tinh. Ứng dụng cho tương lai gần, AI hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau như theo dõi nạn phá rừng, dự đoán năng suất cây trồng và phát hiện khí nhà kính.
"Tận dụng sức mạnh của các công nghệ nguồn mở có thể giải quyết các thách thức về khí hậu một cách hiệu quả, đóng góp vào một tương lai bền vững hơn cho hành tinh", các chuyên gia viết trên AI News.
Các chuyên gia dữ liệu khoa học NASA có niềm tin mô hình nền tảng sẽ thay đổi cách phân tích dữ liệu quan sát, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành tinh của mình. Bằng cách cung cấp nguồn mở rộng rãi đến cộng đồng, đơn vị kỳ vọng sẽ nhân rộng tác động này, thúc đẩy sự hợp tác, đẩy nhanh tiến độ trong khoa học khí hậu và Trái đất.
Ngành khoa học khí hậu ngày nay phải đối mặt với những thách thức liên tục do điều kiện môi trường thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi quyền truy cập vào dữ liệu mới nhất. Trước kho dữ liệu khổng lồ, các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu vẫn gặp khó khăn trong việc phân tích chúng một cách hiệu quả. NASA ước tính rằng đến năm 2024, sẽ có 250.000 terabyte dữ liệu từ các nhiệm vụ mới.
Việc chia sẻ thông tin và cộng tác lúc này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ của AI. Mã nguồn mở và việc phát hành các mô hình, bộ dữ liệu là nền tảng để đảm bảo AI mang lại lợi ích cho nhiều người nhất có thể.
Mô hình không gian địa lý này tận dụng công nghệ nền tảng IBM watsonx vừa ra mắt vào tháng 6. Đây là một trong những kế hoạch của hãng trong mục tiêu huấn luyện, tạo ra nền tảng AI có thể chuyển đổi qua nhiều tác vụ khác nhau.
IBM watsonx.ai có thể định nghĩa như một studio, cung cấp nhiều công cụ tích hợp, mô hình AI nền tảng và mô hình máy học. Môi trường mã nguồn mở cho phép nhà phát triển truy cập vào dữ liệu, tự động hóa các quy trình AI, thử nghiệm hoặc đào tạo, quản lý vòng đời AI.
Cùng với xu thế toàn cầu, tại Việt Nam, việc xây dựng và ứng dụng AI hiện phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2013, tập đoàn FPT đã xác định AI là công nghệ mũi nhọn, đưa vào nghiên cứu. Đến nay đơn vị đã hình thành một hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp và nền tảng giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động, giải quyết nhiều bài toán xã hội, phục vụ hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối. Các ông lớn trong ngành như: VNPT, Viettel, Vingroup... cũng mạnh tay nghiên cứu các công nghệ mới và phát triển AI trong nhiều năm qua.
Đến năm 2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo; AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và Top 50 thế giới. Sau một năm triển khai, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Trong bối cảnh đó, từ năm 2018, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) được tổ chức nhằm thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI; góp phần giải quyết những thách thức trong phát triển kinh tế xã hội. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức thường niên.
Năm nay, ngày hội tiếp tục tổ chức với chủ đề "Sức mạnh cho cuộc sống"; diễn ra trong hai ngày 21-22/9 tại TP HCM. Chương trình AI4VN 2023 sẽ gồm bốn hoạt động chính: AI Summit, CTO Summit 2023, AI Workshop, AI Expo, cùng các hoạt động vệ tinh.
Độc giả đăng ký tham dự AI4VN 2023 tại đây
Minh Tú