Theo bác sĩ Bùi Hồng Giang, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Giao thông vận tải, các bác sĩ đang dồn lực điều trị tích cực cho cụ bà 84 tuổi - nặng nhất trong 6 nạn nhân. Hiện chưa thể tiên lượng sức khỏe cụ bà. Còn 5 người khác, trong đó có một bé trai, hiện đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định nhưng bị sốc tâm lý.
"Bệnh viện đã có biện pháp hỗ trợ tâm lý để ổn định điều trị cho họ", bác sĩ Giang cho hay.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có mặt tại Bệnh viện Giao thông Vận tải để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân. Bác sĩ Nguyên là một chuyên gia trong điều trị các bệnh lý liên quan đến độc tố.
Bỏng đường hô hấp rất nguy hiểm và ở bên trong cơ thể nên khó quan sát, khó điều trị, biến chứng nguy hiểm. Khi nhiệt độ môi trường quá cao như trong đám cháy, con người hít vào cơ thể khí nóng gây tổn thương đường niêm mạc, đường thở gồm từ mũi đến phổi.
Bỏng hô hấp gây ba loại tổn thương là tổn thương trực tiếp do nhiệt, hoại tử đường thở; hít phải các khí độc, kích thích tổn thương đường thở, tổn thương phổi; khí độc CO và Cyanide ngấm từ phổi vào máu. Bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đến bệnh viện thăm các nạn nhân. "Mọi người yên tâm điều trị, không phải lo lắng, mọi việc đã có các bác sĩ ở đây lo liệu", Phó Chủ tịch Quốc hội động viên bệnh nhân.
Đám cháy được phát hiện lúc 0h30 ngày 24/5, tại hai ngôi nhà trên khu đất trong ngõ 119 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. 14 người thiệt mạng trong hỏa hoạn, 6 người bị thương cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết Trung tâm cấp cứu 115 đưa 9 kíp cấp cứu đến hiện trường. Các bệnh viện trên địa bàn như E, Xanh Pôn, Giao thông Vận tải, Trung tâm Y tế Cầu Giấy, Y học cổ truyền, cũng trực cấp cứu tại hiện trường.
Lê Nga