Khi năm mới đến gần, các nhà đầu tư, kinh tế học, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới có chung một kỳ vọng: giảm lãi suất. Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, ngân hàng trung ương các nước phát triển phát đi thông điệp quá trình thắt chặt mạnh tay đã kết thúc.
Làn sóng nâng lãi đã thống trị nền kinh tế - tài chính toàn cầu từ năm 2022, trừ Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương nước này vẫn kiên quyết giữ lãi suất âm và ra tín hiệu không sớm thay đổi lập trường.
Việc các ngân hàng trung ương dừng nâng lãi suất là bước ngoặt với cuộc chiến chống lạm phát năm nay. Khởi đầu năm với lạm phát gấp gần 4 lần mục tiêu, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Nhật Bản hiện ghi nhận lạm phát chỉ gấp 1,5 lần mục tiêu.
Dĩ nhiên, điều này cũng đồng nghĩa các ngân hàng trung ương còn nhiều việc phải làm để hoàn thành "chặng cuối" trong cuộc chiến chống lạm phát này. Họ vẫn chần chừ trong việc tuyên bố chiến thắng và đang đối mặt với sự kỳ vọng quá mức của các thị trường tài chính. Các ngân hàng trung ương khẳng định sẽ giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian nữa, hoặc thậm chí vẫn tăng nếu cần thiết.
Vậy năm 2024 liệu có diễn ra làn sóng giảm lãi suất? Giới phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương không nhất thiết phải chờ đến khi lạm phát xuống 2% mới giảm lãi. Việc giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục chậm lại sẽ không phù hợp trong dài hạn. Đây là điều mà một số quan chức Fed đã nghĩ đến khi thảo luận về chính sách tiền tệ năm tới, đặc biệt trong bối cảnh họ muốn kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
Theo các chuyên gia, việc giữ quan điểm thắt chặt lâu quá mức cần thiết cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Đó là hoạt động kinh tế giảm nhanh, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và suy thoái. Đây là điều rất nhiều nước đang cố tránh.
Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm với lãi suất như sản xuất và địa ốc, đều đã cảm nhận được tác động từ lãi suất cao hơn một năm qua. Dù lĩnh vực dịch vụ vẫn cho thấy sự tăng trưởng, chỉ số theo dõi sản xuất của S&P Global tại các nước phát triển vẫn co lại kể từ tháng 10/2022.
Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Sản lượng tại các nhà máy ở các nước mới nổi đã tăng cao sau khi chững lại trong phần lớn năm nay.
Thị trường hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương nới lỏng mạnh hơn dự kiến. Ví dụ, dự báo tuần trước từ Fed cho thấy cơ quan này có thể giảm 75 điểm cơ bản trong năm sau. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường cho thấy nhà đầu tư đặt cược gấp đôi số đó. Điều này khiến chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee thừa nhận ông cảm thấy "bối rối" với hành vi trên thị trường.
Trong buổi họp báo sau phiên họp chính sách hôm 13/12, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết quá trình thắt chặt chính sách lịch sử có thể đã chấm dứt và các cuộc thảo luận về giảm lãi "đang đến gần". Tuy nhiên, ông và các quan chức Fed cũng không loại trừ khả năng tiếp tục nâng lãi.
Còn tại châu Âu, nguồn tin của Reuters cũng cho biết ECB không thể giảm lãi trước tháng 6. Trong khi đó, thị trường cho rằng việc này sẽ diễn ra vào tháng 3.
Trong phiên họp chính sách tháng 11, Ngân hàng Trung ương Canada và New Zealand đều khẳng định vẫn sẽ nâng lãi nếu cần thiết.
Chìa khóa cho động thái của các ngân hàng trung ương là lạm phát. Giới chức đã khẳng định chấp nhận mức độ tổn thương kinh tế nhất định, nếu cần thiết, để đưa lạm phát về mục tiêu.
Yếu tố chính trị cũng có thể góp phần vào việc này. Năm 2024 sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc bầu cử lớn trên thế giới. Ví dụ, bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra tháng 11/2024. Vì thế, các thống đốc có thể không muốn đưa ra bước ngoặt chính sách, để tránh bị coi là có động cơ chính trị.
Khi năm 2023 sắp khép lại, thế giới lại chứng kiến thêm sự kiện làm phức tạp quá trình giảm lãi. Đó là cuộc tấn công của nhóm Houthi tại Yemen vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, buộc tàu thuyền chuyển hướng. Việc này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng sức ép lên lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương càng khó ra quyết định.
Hà Thu (theo Reuters)