"Hoạt động nâng xác máy bay dưới nước sẽ diễn ra ngày mai", John Donnelly, lãnh đạo Cơ quan Cứu hỏa và Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Washington, ngày 2/2 thông báo. "Chúng tôi tới nay đã xác định danh tính 55 thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục tìm kiếm tới khi trục vớt được tất cả nạn nhân".
Đại tá Francis Pera, chỉ huy quân khu Baltimore của Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ, cho biết các thợ lặn và lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tuân thủ các giao thức nghiêm ngặt và dừng di chuyển mảnh vỡ nếu tìm thấy thi thể. "Việc trục vớt thi thể một cách trang nghiêm được ưu tiên hơn mọi điều khác", ông Pera nói.
Khoảng 200 tàu thuyền đã tham gia vào nỗ lực tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn, theo tuần duyên Mỹ. Hải quân Mỹ cũng điều hai sà lan tới nâng các mảnh vỡ lớn. Các quan chức Mỹ cho biết có thời điểm hơn 300 người tham gia hoạt động nói trên.
Đại tá Pera nói các thợ lặn đã đưa camera với độ nét cao vào trong xác máy bay, chúng được kết nối với thuyền hỗ trợ phía trên. Một thợ lặn bị hạ thân nhiệt và được điều trị tại bệnh viện do phải làm việc trong điều kiện giá lạnh.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 29/1, khi máy bay Bombardier CRJ701ER của hãng PSA Airlines chở 64 người va chạm với trực thăng lục quân Sikorsky UH-60L Black Hawk chở 3 người, khiến hai phi cơ rơi xuống sông và toàn bộ nạn nhân thiệt mạng.
Chiếc CRJ701ER, thuộc dòng CRJ700, lúc gặp nạn đang tiếp cận đường băng 33 tại Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington ở bang Virginia, cách thủ đô Washington 8 km.
Bộ trưởng Giao thông Mỹ Sean Duffy đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới vụ tai nạn. "Chuyện gì đã xảy ra trong tòa tháp không lưu? Họ có thiếu nhân sự hay không? Vị trí và độ cao của chiếc UH-60 khi đó là thế nào, các phi công trên trực thăng có đeo kính nhìn đêm hay không?", ông Duffy nói.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 31/1 ban hành lệnh cấm phần lớn trực thăng bay theo hai tuyến số 1 và số 4 dọc sông Potomac, gần sân bay Reagan. Chiếc UH-60 liên quan tới vụ tai nạn bay vốn được yêu cầu bay theo tuyến số 4 trước khi va vào máy bay CRJ700.
Lệnh cấm này không áp dụng với các trực thăng làm nhiệm vụ hỗ trợ y tế, tham gia hoạt động hành pháp, phòng không hoặc nhiệm vụ vận tải phục vụ tổng thống. Lệnh hạn chế sẽ có hiệu lực tới khi Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ (NTSB) hoàn tất điều tra sơ bộ về sự cố và xem xét lại quyết định này.
NTSB cho biết tham số độ cao của máy bay CRJ700 và trực thăng UH-60 có mâu thuẫn. Dữ liệu từ hộp đen của CRJ700 cho thấy máy bay ở độ cao khoảng 99 m với sai số 7,6 m, còn thông tin thu từ tháp kiểm soát không lưu cho thấy UH-60 bay ở độ cao 61 m, mức tối đa mà trực thăng được di chuyển trong khu vực.
Các điều tra viên cho biết có thể đối chiếu khác biệt sau khi giải mã hộp đen của trực thăng và sẽ tinh chỉnh dữ liệu thu từ tháp kiểm soát không lưu. Họ hy vọng sẽ đưa ra được báo cáo sơ bộ trong vòng 30 ngày. Các cuộc điều tra tai nạn hàng không đầy đủ thường kéo dài một năm hoặc hơn.
Vụ tai nạn ngày 29/1 là sự cố hàng không chết chóc nhất tại Mỹ kể từ tháng 11/2001, khi máy bay Airbus A300B4-605R của hãng American Airlines lao xuống khu phố ở New York sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 260 người trên đó và 5 người dưới mặt đất thiệt mạng.
Các chuyên gia hàng không nhấn mạnh việc đi lại bằng máy bay là an toàn, song khu vực quanh sân bay Reagan với nhiều phương tiện hoạt động trên không là thách thức đối với phi công, kể cả những người giàu kinh nghiệm.
Nguyễn Tiến (Theo AP, AFP, Reuters)