Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông, thông báo triển khai nhiều khí tài, trong đó có các oanh tạc cơ B-52, tiêm kích F-15 và cường kích A-10, để "không kích chính xác" hơn 75 mục tiêu thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại miền trung Syria hôm 8/12.
"Những cuộc tập kích nhằm vào các thủ lĩnh, thành viên và căn cứ IS này nằm trong khuôn khổ chiến dịch đang được tiến hành để phá vỡ, làm suy yếu và đánh bại IS. Mục tiêu của các cuộc tập kích là ngăn tổ chức khủng bố mở rộng hoạt động và đảm bảo IS không lợi dụng tình hình hiện tại để tái xây dựng lực lượng ở miền trung Syria", thông báo có đoạn.
CENTCOM cho biết vẫn đang trong quá trình đánh giá thiệt hại của đối phương và không ghi nhận thương về dân thường. Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục cùng các đối tác, đồng minh trong khu vực thực hiện các chiến dịch đối phó IS "kể cả trong giai đoạn nhiều biến động này ở Syria".
"Không có gì phải nghi ngờ cả. Chúng tôi sẽ không cho phép IS tái tổ chức và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria", tư lệnh CENTCOM Michael Erik Kurilla nhấn mạnh. "Mọi tổ chức ở Syria nên biết rằng chúng tôi sẽ khiến họ chịu trách nhiệm nếu họ cộng tác hoặc hỗ trợ IS bằng bất cứ hình thức nào".
Liên minh lực lượng chống chính phủ do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus, tuyên bố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết ông Assad đã từ chức và rời khỏi Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc ông Assad tại quốc gia Trung Đông. Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết ông Assad và gia đình đang ở Moskva, sau khi được chính quyền sở tại cấp quyền tị nạn vì lý do nhân đạo.
Cục diện rối ren hiện nay ở Syria làm dấy lo ngại về nguy cơ IS trỗi dậy trở lại. Tổ chức này từng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và quốc gia láng giềng Iraq, song đã bị đánh bại dưới áp lực quân sự liên tục của liên quân quốc tế và để mất thành trì cuối cùng vào năm 2019.
Dù vậy, IS sau đó vẫn tiếp tục hoạt động và nhiều lần tấn công gây thương vong cho quân chính phủ.
Bản đồ do kênh Al Jazeera vẽ cho thấy diện tích lãnh thổ mà IS hiện diện ở miền trung Syria đã được mở rộng so với thời điểm trước khi HTS và các lượng chống chính phủ mở chiến dịch lật đổ chính quyền ông Assad.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, người sắp trở thành thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bày tỏ lo ngại về nguy cơ hàng nghìn thành viên IS bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) giam có thể thoát ra ngoài và tái gia nhập tổ chức. Bà cũng quan ngại về khả năng lực lượng chống chính phủ đang kiểm soát Damascus hợp tác với IS.
Quân đội Mỹ đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Washington bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức này từ năm 2014, trước khi điều bộ binh vào sau đó một năm để hỗ trợ lực lượng người Kurd ứng phó IS.
Sau khi IS bị đánh bại, Mỹ cũng giảm hiện diện quân sự ở đây, song vẫn duy trì lực lượng nhỏ gồm khoảng 900 người nhằm mục đích chống lại tàn dư của tổ chức khủng bố.
Phạm Giang (Theo Reuters, Fox News, Politico)