Triều Tiên có hàng nghìn đường hầm và boongke, một số được phát hiện còn vượt qua biên giới với Hàn Quốc và ở gần thủ đô Seoul. Những hầm khác ở Triều Tiên có độ sâu hàng trăm mét có thể được dùng làm nơi ẩn nấp cho quân nhân và pháo binh, cũng như nơi lưu giữ vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân, theo NPR.
Lầu Năm Góc đã huấn luyện thêm hàng nghìn lính có kỹ thuật chiến đấu trong đường hầm và mua thêm dụng cụ chuyên dụng cần thiết như radio và kính nhìn đêm, cùng với đuốc axetylen và kìm cắt bulông.
Các quan chức cho biết việc huấn luyện dự kiến diễn ra trong suốt năm 2018, ở các cơ sở trên khắp cả nước, bao gồm cả những đường hầm và boongke không còn được sử dụng.
Dave Maxwell, một đại tá đã nghỉ hưu từng phục vụ tại Hàn Quốc, nói: "Có khoảng 5.000 đường hầm tại Triều Tiên. Họ giống như chuột chũi vậy. Tôi nghĩ việc huấn luyện không chỉ cần thiết cho lính Mỹ mà cả lính Hàn Quốc".
Mối đe dọa dưới lòng đất
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo về các đường hầm này trong nhiều năm. Trong phiên điều trần năm 2001, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld gọi Triều Tiên là "những người đào hầm đẳng cấp thế giới".
Ông Rumsfeld nói với các thượng nghị sĩ rằng: "Họ có đường hầm trên khắp nước mà ít quốc gia có được. Họ có kho chứa vũ khí ngầm khổng lồ".
Những hầm này sẽ an toàn trước các tên lửa hay bom thả từ máy bay hoặc bắn từ biển. Nếu có hành động quân sự chống lại Triều Tiên, quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải nhắm vào những đường hầm này.
Quân đội Mỹ thường huấn luyện một hoặc hai lữ đoàn kỹ thuật chiến đấu trong đường hầm, do đó nhiều lính đã được chuẩn bị để chiến đấu trong những môi trường kín như vậy, chẳng hạn nhưng Afghanistan. Nhưng với mối đe dọa từ Triều Tiên, quân đội cần phải đào tạo thêm, mặc dù con số chính xác binh sĩ được bổ sung không được công bố.
Tháng trước, Trung đoàn kỵ binh số 5 lục quân Mỹ được đào tạo để thâm nhập vào một boongke tại một căn cứ ở phía bắc Seoul. Đó là một cơ sở thay thế cho phòng thí nghiệm vũ khí hóa học. Những người lính đã sử dụng radio chuyên dụng và kính nhìn đêm khi bò vào đường hầm dài khoảng 800 m.
"Chúng ta không thể chỉ nhìn vào các hoạt động quân sự theo hai chiều. Chúng ta phải nhìn theo ba chiều và cả ở dưới đất nữa", trung tá John Moris nói.
Chuẩn bị cho xung đột
Khi Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa và căng thẳng Mỹ - Triều vẫn gia tăng, một số người trong Lầu Năm Góc nói rằng cần phải có nhiều kế hoạch đào tạo hơn.
Những căng thẳng này bao gồm các tuyên bố từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump trong tuần trước. Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "nút kích hoạt hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc", Trump đáp lại rằng "nút kích hoạt hạt nhân của tôi còn uy lực hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis luôn tuyên bố rằng ngoại giao và lệnh trừng phạt là những trọng tâm chính trong cách đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng quân đội phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ trường hợp nào.
"Tương lai sẽ như thế nào? Cả anh và tôi đều không thể nói trước. Vì vậy, điều quân đội Mỹ có thể làm là đảm bảo chúng ta có các lựa chọn quân sự mà Tổng thống có thể sử dụng nếu cần".
Lục quân Mỹ đang mua thêm những thiết bị có chức năng làm cầu nối để sử dụng cho bất kỳ hành động quân sự nào có thể xảy ra ở Triều Tiên. Các nhà hoạch định quân sự không muốn các khí tài của Mỹ dựa dẫm vào cơ sở hạ tầng đáng nghi ngờ của Triều Tiên khi băng qua các con sông.
Đồng thời, Lầu Năm Góc trong vài tháng qua cũng lặng lẽ bổ sung thêm nhiều tên lửa Patriot và các quả bom dẫn đường chính xác để đảm bảo các kho dự trữ đủ cho kịch bản chiến tranh.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh nếu chiến tranh nổ ra, nó sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. "Dù tưởng tượng thế nào, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ rất kinh hoàng", Tham mưu trưởng lục quân Mỹ Mark Milley cảnh báo.
Phương Vũ