"Chúng tôi hoan nghênh tin tức về cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đó là việc tốt", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby hôm 26/4 cho hay.
Theo ông Kirby, hiện chưa thể biết liệu cuộc điện đàm có đưa đến những động thái, kế hoạch hoặc đề xuất hòa bình thiết thực hay không, song nếu Trung Quốc có thể giúp Ukraine đạt thỏa thuận hòa bình, kế hoạch đó phải phù hợp với quan điểm của ông Zelensky.
"Thỏa thuận hòa bình sẽ không bền vững hay đáng tin cậy nếu không phải do Ukraine và Tổng thống Zelensky đóng góp, ủng hộ", Kirby nói, thêm rằng Nhà Trắng không được biết trước cuộc điện đàm này.
Cuộc điện đàm hôm 26/4 là cuộc trao đổi đầu tiên giữa ông Tập và ông Zelensky kể từ khi chiến sự bùng phát. Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Eric Mamer gọi đây là "bước đầu tiên và quan trọng".
"Lãnh đạo Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến Nga chấm dứt chiến sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Ukraine, làm cơ sở cho nền hòa bình đúng đắn", Mamer nói.
"Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, đặc biệt là Ukraine. Nhưng không phải hòa bình kiểu nào cũng được, mà phải là nền hòa bình công nhận quyền của người dân Ukraine", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bình luận.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto gọi cuộc điện đàm là "tin tốt lành", trong khi văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khuyến khích bất kỳ cuộc đối thoại nào có thể góp phần giải quyết xung đột, phù hợp với lợi ích cơ bản của Ukraine và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky ngày 26/4, ông Tập cho biết sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các bên để giải quyết khủng hoảng. Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực hướng tới việc ngừng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt, nhấn mạnh đàm phán là "giải pháp duy nhất" cho cuộc xung đột.
Trung Quốc là nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, nhiều lần kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine và từ chối trừng phạt Moskva, bất chấp sức ép của phương Tây.
Phản ứng trước cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình và ông Zelensky, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva "ghi nhận việc Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực thiết lập một tiến trình đàm phán". Tuy nhiên, Zakharova nói thêm rằng Ukraine và phương Tây "đã cho thấy họ có khả năng làm rối tung bất kỳ sáng kiến hòa bình nào".
Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch 12 điểm về hòa bình ở Ukraine. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ chủ quyền của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế, phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.
Nga, Belarus ủng hộ đề xuất, song các nước phương Tây cho rằng kế hoạch này phản ánh chưa đầy đủ cuộc chiến. Trong khi đó, Kiev chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng mà muốn thảo luận thêm với Bắc Kinh.
Huyền Lê (Theo AFP, Pravda, Politico)