Mỹ hiện ghi nhận 10.546.778 ca nhiễm và 245.694 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 123.083 và 1.238. Số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua là 119.238, cao gấp hơn ba lần so với hồi giữa tháng 9.
Tuy nhiên, con số trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh, theo Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota. Osterholm là một thành viên trong Ban cố vấn Chuyển tiếp Covid-19 của tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới, chúng ta chứng kiến hơn 200.000 ca nhiễm mới một ngày", ông nói.
Toàn cầu ghi nhận 51.761.757 ca nhiễm và 1.278.008 ca tử vong do nCoV, trong khi 36.349.582 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Châu Âu đang là tâm Covid-19 của thế giới khi ghi nhận 12.637.050 ca nhiễm và 301.648 ca tử vong do nCoV. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã áp phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn chống dịch.
Tại Italy, quốc gia ghi nhận 995.463 ca nhiễm và 42.330 ca tử vong, tăng lần lượt 35.098 và 580, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Nga ghi nhận 20.977 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm lên 1.817.109, trong đó 31.161 người đã chết, tăng 368 trường hợp so với một ngày trước. Điện Kremlin đến nay vẫn loại trừ việc áp dụng lại các hạn chế sâu rộng được dỡ bỏ hồi đầu năm.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự gia tăng ổn định trong các trường hợp "vẫn ở mức đáng báo động", nhưng lưu ý "không phải tất cả các quốc gia đều phong tỏa".
Pháp ghi nhận thêm 22.180 ca nhiễm và 857 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.829.659 và 42.207. Pháp cấm người dân tự ý rời khỏi nhà từ ngày 30/10. Các quán bar, nhà hàng cũng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất tháng 12 và việc đi lại giữa các khu vực sẽ bị hạn chế.
Các nhà máy, trang trại và một số dịch vụ công sẽ tiếp tục hoạt động nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế. Học sinh từ cấp tiểu học đến trung học sẽ tiếp tục đến trường nhưng trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đeo khẩu trang. Các trường đại học, vốn là điểm nóng virus từ tháng 9, sẽ chỉ giảng dạy trực tuyến.
Đức báo cáo tổng cộng 705.640 ca nhiễm và 11.860 ca tử vong, tăng lần lượt 16.668 và 203 so với một ngày trước đó. Quốc gia này từng xử lý tốt làn sóng Covid-19 đầu tiên, song ca nhiễm bất ngờ tăng vọt trong những tuần gần đây, giống như các nước châu Âu khác.
Thủ tướng Angela Merkel ra lệnh áp các biện pháp hạn chế ở mức độ nhẹ từ ngày 2/11 đến 30/11. Người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch".
Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp được tiếp tục diễn ra nhưng không được đón khán giả. Tuy nhiên, trường học và cửa hàng được phép mở cửa.
Anh báo cáo thêm 20.412 ca nhiễm và 532 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.233.775 và 49.770.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 31/10 thông báo tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV vượt một triệu và nguy cơ hệ thống y tế vỡ trận.
Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 44.679 ca nhiễm và 511 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.635.754 và 127.615.
Đại dịch đã lây lan rộng khắp đất nước 1,3 tỷ dân, từ các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai, đến những vùng nông thôn và địa phương khác. Nhiều quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm virus, như Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shaktikanta Das.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 164 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 162.802. Số người nhiễm nCoV tăng 23.239 trong 24 giờ qua, gần gấp đôi so với một ngày trước đó, lên 5.699.005.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 740.254 ca nhiễm và 19.951 ca tử vong, tăng lần lượt 1.729 và 106 ca.
Nền kinh tế phát triển nhất châu Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 39.202 người chết, tăng 453, trong tổng số 703.288 ca nhiễm, tăng 10.339. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 444.348 ca nhiễm, tăng 3.779 so với hôm trước, trong đó 14.761 người chết, tăng 72 ca. Philippines báo cáo 399.749 ca nhiễm và 7.661 ca tử vong, tăng lần lượt 1.347 và 14 ca.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới , Tedros Ghebreyesus, cho biết các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. "Chúng ta có thể mệt mỏi với Covid-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta", ông nói. "Chúng ta không thể nhắm mắt và hy vọng nó biến mất. Nó không chú ý đến các luận điệu chính trị hoặc các thuyết âm mưu. Hy vọng duy nhất của chúng ta là khoa học, giải pháp và sự đoàn kết".
Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech hôm 9/11 công bố vaccine của Pfizer đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Nói cách khác, cơ thể con người có thể được bảo vệ khỏi nCoV 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.
Theo Giám đốc điều hành Pfizer, tiến sĩ Albert Bourla, Pfizer đang dần chạm tới cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển, khi thế giới đang cần vaccine nhất. Với tỷ lệ hiệu quả đạt hơn 90%, nhân loại đang tiến gần hơn một bước trên con đường mang lại đột phá cho người dân, kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)