Hãng NBC của Mỹ dẫn lời một quan chức chính phủ và nguồn tin từ quốc hội cho biết Mỹ đã lần đầu tiên chuyển giao hàng trăm tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine trong tuần này, trong đó có hơn 200 tên lửa được chuyển giao hôm 28/2.
Đầu năm nay, Mỹ bật đèn xanh cho các nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia gửi vũ khí do Mỹ sản xuất tới Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Stinger. Nhưng cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì việc cung cấp trực tiếp tên lửa Stinger cho Ukraine, cùng các loại vũ khí sát thương khác.
Trong nhiều tháng qua, nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính quyền gửi thêm tên lửa Stinger tới Ukraine. Ukraine cũng nhiều lần đề nghị Mỹ viện trợ thêm vũ khí, bao gồm cả vũ khí phòng không và chống tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2/3 nói với phóng viên rằng hiện Ukraine vẫn có thể nhận được "thiết bị quân sự phòng thủ quan trọng" mà họ cần.
Mỹ đã sản xuất nhiều thế hệ tên lửa Stinger. Giới chức Mỹ quyết định không cung cấp phiên bản mới nhất cho Ukraine, đề phòng trường hợp bị lộ công nghệ khi loại vũ khí này rơi vào tay lực lượng Nga.
Hiện Mỹ, Canada và hơn10 quốc gia châu Âu đã đồng ý với yêu cầu của Ukraine về chuyển giao thiết bị quân sự. Đức đầu tuần này thông báo sẽ chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine, dù từng tuyên bố không gửi vũ khí tới Ukraine.
Tây Ban Nha hôm qua cũng cho biết sẽ gửi 1.370 súng phóng lựu, 700.000 quả đạn và vũ khí tự động hạng nhẹ cho Ukraine. Hai máy bay chở lô vũ khí này sẽ hạ cánh tại một khu vực ở Ba Lan, gần Ukraine, trong ngày 4/3.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2, đặt mục tiêu chính thức là "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Sau hơn 6 ngày triển khai chiến dịch, lực lượng Nga đến nay đã kiểm soát được Berdyansk, thành phố duyên hải ở đông nam Ukraine. Lực lượng Nga cũng đã tiến vào tòa thị chính thành phố Kherson, dấu hiệu cho thấy thành phố này đã thất thủ.
Lực lượng Nga đang tăng cường bao vây các thành phố lớn khác của Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev và thành phố Kharkov ở phía đông bắc.
Trong video đăng trên Telegram đêm 2/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nước này đã phá vỡ kế hoạch của Nga. Theo ông, khoảng 9.000 lính Nga đã thiệt mạng từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cho biết 498 quân nhân thiệt mạng và1.597 binh sĩ bị thương trong chiến dịch ở Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Moskva công khai những con số này. Nga cũng nói rằng về phía Ukraine, có 2.870 "quân nhân và người theo chủ nghĩa dân tộc" thiệt mạng, khoảng 3.700 người bị thương.
Điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh một giải pháp hòa bình chỉ khả thi "khi lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến vô điều kiện", bao gồm "công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành nhiệm vụ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nhà nước Ukraine, cũng như đảm bảo trạng thái trung lập của Kiev".
Hai nước đang tiến vào đàm phán với Belarus là nước trung gian tổ chức. Phái đoàn Nga cho biết vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra trong ngày 3/3, khi đoàn đại diện từ Kiev đến nơi. Nga cam kết sẽ mở hành lang an toàn cho phái đoàn Ukraine di chuyển đến Belarus.
- Bản ghi nhớ Ukraine ký để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân
- Nga công bố tài liệu tố Ukraine phạm 'tội ác diệt chủng'
- Ukraine nói Nga phóng tên lửa vào tòa nhà chính quyền Kharkov
- Ukraine nói lính dù Nga đổ bộ vào Kharkov
- Dàn tên lửa Nga gây chú ý trong chiến dịch Ukraine
Huyền Lê (Theo CNN, AFP)