"Chúng tôi cùng chung tầm nhìn về khu vực, bao gồm thượng tôn pháp luật, sự minh bạch, thịnh vượng và an ninh cho tất cả. Đại dịch Covid-19 gần đây tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế thấy được lý do mô hình phản ứng của Đài Loan xứng đáng để học hỏi", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong thông cáo hôm nay.
Ông cũng gửi lời chúc mừng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử, người sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày mai, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng một.
Theo nội dung bài phát biểu do Alex Huang, phát ngôn viên văn phòng của bà Thái, cung cấp, lãnh đạo Đài Loan sẽ nêu mục tiêu thúc đẩy hòn đảo "tham gia tích cực" vào các cơ quan quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác với những chính quyền cùng chí hướng, được cho là đề cập đến Mỹ và đồng minh.
Bất chấp những nỗ lực vận động hành lang, Đài Loan vẫn không được mời dự cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, nên họ có quyền đại diện cho hòn đảo trên trường quốc tế.
"Chúng tôi cảm thấy thất vọng và giận dữ khi WHO quyết định không mời Đài Loan tới họp WHA năm nay. Chúng tôi có rất nhiều điều để chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong quá trình xử lý Covid-19", Yi-chun Lo, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan, hôm nay cho biết.
Đáp lại những động thái trên, đặc phái viên Trung Quốc tại WHO Chen Xu chỉ trích các nước ủng hộ chính quyền Đài Loan "đang vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và WHO, đồng thời làm suy yếu những nỗ lực chống dịch toàn cầu". "Trung Quốc kịch liệt phản đối hành vi này", ông nói.
Đài Loan từng tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn nồng ấm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gây sức ép tước tư cách quan sát viên WHA của Đài Loan sau khi bà Thái, người phản đối chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, CNBC)