Tờ Tagesspiegel của Đức ngày 3/4 dẫn các nguồn tin an ninh cho biết 200.000 khẩu trang loại FFP2 (N95) và FFP3 được chính phủ Đức đặt hàng cho lực lượng cảnh sát sử dụng đã bị "chặn và chuyển sang Mỹ".
Tờ báo này dẫn lời ông Andreas Geisel, người đứng đầu cơ quan nội vụ Berlin, cho hay họ đặt hàng 400.000 khẩu trang lọc độc FFP2 và FFP3 của một công ty Mỹ để trang bị cho lực lượng cảnh sát thủ đô Đức trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, khi một nửa số hàng này được chuyển từ nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đến Đức, chúng đã bị giới chức Mỹ tịch thu tại sân bay Bangkok, Thái Lan.
Geisel cho biết Đức "coi đây là hành động ăn cướp thời hiện đại, không phải là cách hành xử đối với đối tác ở bờ kia Đại Tây Dương". Cảnh sát trưởng Berlin Barbara Slowik nói lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang của Mỹ có thể là nguyên nhân của hành động này.
Trang T-Online của Đức sau đó đã liên hệ với Nhà Trắng để hỏi về thông tin, nhưng chính phủ Mỹ bác bỏ cáo buộc. "Đây là thông tin hoàn toàn sai lệch. Mỹ không tịch thu hoặc lấy bất kỳ khẩu trang nào được chuyển đến một quốc gia khác", một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay. "Mỹ sẽ sản xuất số lượng lớn thiết bị y tế trong nước, bằng nguồn nguyên liệu được mua từ các quốc gia khác thông qua các kênh thích hợp".
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4 ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác nhằm đảm bảo nguồn cung vật tư trong nước trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng nặng vì Covid-19. Lệnh cấm được đưa ra sau khi hãng sản xuất khẩu trang 3M của Mỹ thông báo việc dừng xuất khẩu có thể gây ảnh hưởng đến lượng hàng trong nước.
Giới chức y tế Mỹ cũng khuyến cáo dân chúng che mặt bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải khi ra nơi công cộng. Khuyến cáo đeo khẩu trang của Mỹ có thể làm trầm trọng tình trạng khan hiếm vật tư y tế tại nước này và châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 308.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 8.300 người chết. Các chuyên gia y tế dự đoán 100.000-240.000 người Mỹ có thể chết và kêu gọi dân chúng tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo cách biệt cộng đồng.
Đức ghi nhận hơn 85.000 ca nhiễm, trở thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, trong đó hơn 1.100 người chết. Thủ tướng Angela Merkel nói "có chút hy vọng" khi số ca nhiễm và ca tử vong hàng ngày có dấu hiệu tăng chậm, song nhấn mạnh còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp khống chế dịch.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,2 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 64.000 người chết và hơn 246.000 người đã hồi phục. Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với hơn 308.000 ca, Italy là nước có số người chết cao nhất với hơn 15.000 người.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, T-Online)