Hải quân Ukraine không còn chiến hạm cỡ lớn sau khi tự đánh đắm soái hạm Hetman Sahaidachny hồi tháng 3/2022 để tránh lọt vào tay Nga. Điều này khiến giới quan sát ban đầu nhận định Kiev sẽ hoàn toàn thất thế trước Moskva ở mặt trận trên biển, đặc biệt khi đối phương sở hữu Hạm đội Biển Đen hùng mạnh ở khu vực.
Tuy nhiên, nhờ vào những công nghệ sáng tạo và chiến thuật tấn công phi quy ước, hải quân Ukraine vẫn có thể liên tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga ở vùng biển và gây ra nhiều thiệt hại cho đối phương.
Các cuộc tập kích hiệu quả của Ukraine đã khiến Hạm đội Biển Đen bị "vô hiệu hóa về chức năng", theo báo cáo hồi tháng 3 của Bộ Quốc phòng Anh. Giới chức Ukraine mới đây cho biết lực lượng Nga đã phải rút hết tàu chiến khỏi bán đảo Crimea để tránh nguy cơ tiếp tục bị Kiev tấn công.
"Quy mô của Hạm đội Biển Đen đã được chứng minh là không thể sánh được với những sáng kiến về hàng hải của Ukraine", Bộ Quốc phòng Anh gần đây nhấn mạnh.
Cơ quan này chỉ ra ba loại vũ khí do Ukraine tự phát triển, đóng vai trò là "mũi đinh ba" quan trọng tạo nên thành công của hải quân nước này, bao gồm xuồng tự sát Magura V5, tên lửa diệt hạm Neptune và xuồng tự sát Sea Baby.
Magura V5 là xuồng không người lái đa nhiệm, dài 5,5 mét, tải trọng 320 kg, vận tốc tối đa 78 km/h, tầm hoạt động 850 km, theo chuyên gia quân sự H.I. Sutton. Nó đã được sử dụng trong nhiều cuộc tập kích quan trọng của Ukraine nhắm vào lực lượng Nga ở Biển Đen từ đầu xung đột.
Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) hồi tháng 2 thông báo đã triển khai 6 xuồng tự sát Magura V5 để đánh chìm hộ vệ hạm tên lửa cỡ nhỏ Ivanovets của Nga tại Biển Đen.
Video do GUR đăng cho thấy tổ hợp phòng thủ cực gần AK-630M trên tàu Ivanovets liên tiếp khai hỏa về hướng một chiếc Magura V5, song không thể bắn trúng do nó liên tục di chuyển theo hình zig-zag để tránh đạn, trước khi đâm vào phía sau chiến hạm, tạo ra vụ nổ lớn.
Ngoài ra, xuồng Magura V5 còn được dùng để tấn công tàu tuần tra Sergei Kotov và tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga trong năm nay, theo GUR.
Cơ quan này tiết lộ một số xuồng Magura V5 đã được chỉnh sửa để có thể mang theo tên lửa tầm ngắn R-73 sử dụng đầu dò hồng ngoại, có khả năng lao vào mục tiêu dựa trên tín hiệu nhiệt. Phiên bản này lần đầu xuất hiện hồi tháng 5, khi Bộ Quốc phòng Nga đăng video triển khai trực thăng Ka-29 truy đuổi, bắn nổ các xuồng thuộc loại trên tại vùng biển phía tây bắc bán đảo Crimea.
GUR hồi tháng 6 xác nhận xuồng Magura V5 gắn tên lửa R-73 đã được sử dụng trong hoạt động chiến đấu ở Biển Đen.
Sea Baby là mẫu xuồng tự sát nội địa khác trong biên chế quân đội Ukraine. Nó có chiều dài, vận tốc lớn hơn một chút so với Magura V5, với thông số lần lượt là 6 mét và 90 km/h, cùng tầm hoạt động 800 km, song có khả năng mang gần gấp ba tải trọng thuốc nổ, ở mức 850 kg.
Artem Dehtiarenko, phát ngôn viên Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), đầu tháng trước cho biết xuồng Sea Baby đã trải qua đợt nâng cấp lớn, giúp nó trở nên "mạnh mẽ hơn nhiều".
"Cách đây một năm, xuồng của chúng tôi có thể di chuyển quãng đường 800 km khi mang theo khoảng 800 kg thuốc nổ, còn giờ con số này là hơn 1.000 km và 1.000 kg. SBU hiện có thể tấn công tàu địch hầu như ở bất cứ nơi nào trên Biển Đen", ông nói.
Ukraine trước đó cho biết họ đã sử dụng xuồng Sea Baby trong một số cuộc tập kích quan trọng nhằm vào tàu Nga, bao gồm tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak hồi tháng 8/2023 và tàu tuần tra Pavel Derzhavin sau đó hai tháng. Mẫu xuồng này cũng được dùng để nhắm mục tiêu vào cầu Kerch, công trình nối bán đảo Crimea và lãnh thổ lục địa Nga, vào năm ngoái, khiến một nhịp cầu hư hại nặng và hai dân thường thiệt mạng.
Mũi nhọn còn lại trong chiếc "đinh ba" của Ukraine là tên lửa hành trình diệt hạm R-360 Neptune (Thần biển). Được công bố lần đầu hồi năm 2014, tên lửa Neptune được Viện thiết kế Luch của Ukraine phát triển dựa trên thiết kế của tên lửa Kh-35 thời Liên Xô, song được cải tiến đáng về tầm bắn và hệ thống điện tử.
Quả đạn Neptune dài hơn 5 m, trang bị 4 cánh ổn định giữa thân, có tổng khối lượng khoảng 900 kg, trong đó đầu đạn nặng khoảng 150 kg. Quả đạn được đẩy khỏi ống phóng bằng tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, trước khi động cơ phản lực turbine MS-400 kích hoạt, giúp nó đạt tốc độ cận âm và tầm bắn hơn 300 km.
Loại tên lửa này đã được Ukraine sử dụng để bắn chìm tàu Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen và được coi là biểu tượng của hải quân Nga, vào tháng 4/2022. Kiev được cho là đã bổ sung công nghệ định vị vệ tinh GPS và cảm biến ảnh hồng ngoại để tên lửa Neptune có thể tấn công cả mục tiêu trên đất liền như hệ thống phòng không Nga, trong đó có đòn đánh được cho là khiến một tổ hợp S-400 bị phá hủy ở bán đảo Crimea vào tháng 8/2023.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havrylyuk tháng 12 năm ngoái cho biết họ đang phát triển một phiên bản nâng cấp khác có tên "Neptune dài". Dựa vào tên của dự án, giới chuyên gia nhận định Kiev muốn chế tạo mẫu Neptune có chiều dài lớn hơn, qua đó có thể tăng nhiên liệu cho động cơ và tầm bắn của quả đạn.
Bất chấp thành công của Ukraine, một số nhà quan sát cảnh báo Nga vẫn đang nắm các lợi thế nhất định trên lĩnh vực hải quân.
Theo Sebastian Bruns, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải của Đại học Kiel ở Đức, dù Ukraine đã chứng minh mình đủ khả năng "đánh chìm hoặc vô hiệu hóa hơn một nửa lực lượng giá trị cao của Hạm đội Biển Đen Nga", Moskva vẫn "đang chiếm ưu thể và có thể đe dọa các bến cảng và tuyến hàng hải thông qua những cuộc tấn công bằng tên lửa và việc gài thủy lôi".
"Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột nhờ vào mặt trận trên biển, song chắc chắn có thể thua ở đó", Bruns cho hay.
Phạm Giang (Theo Business Insider, TASS)