Bác sĩ Munir Al-Bursh, lãnh đạo cơ quan y tế Gaza, ngày 25/12 cho biết bé sơ sinh Sela Mahmoud Al-Fasih "chết cóng vì lạnh giá khắc nghiệt" trong lán trại ở Al-Mawasi, phía nam Gaza.
Trong 48 giờ qua, Al-Fasih và ít nhất hai em bé sơ sinh nữa, gồm một bé ba ngày tuổi và một bé một tháng tuổi, đã tử vong vì lạnh giá, không có chỗ ở ấm áp, theo bác sĩ Ahmed Al-Farra, trưởng khoa sản và nhi bệnh viện Nasser tại Khan Younis. Israel chưa lên tiếng về ba trường hợp này.
Al-Mawasi là vùng duyên hải phía tây Rafah, từng được Israel chỉ định làm "khu vực nhân đạo" nhưng vẫn liên tục bị không kích. Hàng nghìn người Palestine đã sơ tán tới đây, sống trong các lán trại tạm bợ dựng bằng vải và nilon trong nhiều tháng.
Thi thể nhỏ bé của Al-Fasih quấn vải trắng, được cha là Mahmoud, 31 tuổi, bế trên tay giữa sân khu sơ tán, chuẩn bị chôn cất.
"Sela chết vì lạnh", Nariman, mẹ của cô bé, nói. "Tôi cố hết sức sưởi ấm cho con, ôm con trong lòng, nhưng chúng tôi không có đủ quần áo để ủ ấm cho cháu".
Cuộc xung đột ở Gaza bùng nổ sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10/2023. Israel lập tức phát động chiến dịch trả đũa, phá hủy hàng loạt khu dân cư ở Gaza, gây khủng hoảng nhân đạo về bệnh tật, thực phẩm và chỗ ở. Cơ quan y tế Gaza hồi đầu tuần cho biết ghi nhận hơn 45.000 người chết và 107.000 người thương tật từ đầu cuộc chiến.
Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo trẻ em Palestine đang là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trước chiến dịch không kích và bao vây của Israel. Hơn 17.600 trẻ em đã thiệt mạng từ khi cuộc xung đột bắt đầu, theo bác sĩ Al-Bursh.
Philippe Lazzarini, người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc tại Gaza, ngày 24/12 cho hay cứ một giờ lại có một em bé ở Gaza tử vong. Có tới 17.000 em bé mất cha mẹ hoặc bị ly tán khỏi cha mẹ hay người chăm sóc, theo báo cáo hồi tháng 10 của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế. Những trẻ em khác chật vật tìm thức ăn, nước uống và chỗ trú ấm áp trong bối cảnh Israel siết vòng vây khiến nguồn cung cạn kiệt.
Bác sĩ Al-Farra cho biết chỉ có 20% cơ sở y tế chăm sóc trẻ sơ sinh còn hoạt động ở Gaza. Trẻ sinh non chết vì thiếu vật tư y tế, buộc y bác sĩ phải phân loại và lựa chọn cứu ai.
"Trong hơn 14 tháng, trẻ em đứng chênh vênh ở bờ vực ác mộng. Tại Gaza, thực tế hàng ngày mà hơn một triệu trẻ em đối mặt là nỗi sợ, sự thiếu thốn và nỗi đau không thể tưởng tượng", Rosalia Bollen, chuyên gia truyền thông của Unicef, nói hôm 20/12.
"Cuộc chiến mà trẻ em Gaza đang đối mặt là lời nhắc nhở nặng nề rằng chúng ta phải có trách nhiệm. Một thế hệ trẻ em đang bị vi phạm quyền lợi nghiêm trọng và bị hủy hoại tương lai".
Hồng Hạnh (Theo CNN)