Gần 60.000 nhà thuốc trên cả nước; hơn 7,2 triệu đơn thuốc; 26,7 triệu hóa đơn bán hàng được quản lý; 14.000 cơ sở tiêm chủng toàn quốc, 26 triệu đối tượng tượng được quản lý qua hệ thống tiêm chủng quốc gia và sổ tiêm chủng điện tử... Đây là những thành quả tiêu biểu về quá trình chuyển đổi số của ngành y những năm qua.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với loạt giải pháp công nghệ thông tin được triển khai nhanh, Viettel đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh đồng thời giúp ngành y tế thực hiện cuộc "cách tân" lớn. Nhưng, không phải ai cũng biết, hành trình của Viettel với công cuộc hiện đại hóa ngành y tế Việt Nam đã khởi đầu từ khoảng 10 năm trước.
Những năm qua, Viettel luôn xác định vai trò chủ lực trong lĩnh vực y tế khi từng bước giúp giải quyết những bài toán lớn của ngành y. Đơn cử là Hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm toàn quốc (năm 2016), Hệ thống tiêm chủng toàn quốc (năm 2017), Hệ thống thông tin điều trị Methadone toàn quốc (năm 2017), Hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc (năm 2018). Mới đây nhất là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (tháng 4/2020)...
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực. Đây là những yêu cầu không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.
"Chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng hạ tầng viễn thông. Đây là lý do Viettel kiên trì vai trò chủ lực dựa trên hạ tầng có chất lượng và độ phủ lớn nhất Việt Nam. Không những vậy, Viettel còn có năng lực nghiên cứu, sản xuất, tạo ra hệ sinh thái đầy đủ cho chuyển đổi số trong y tế. Về nhân lực, Viettel đang sở hữu một đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ bảo mật, phát triển công nghệ, AI... Nguồn lực của Viettel cũng đủ mạnh để đầu tư cho các nghiên cứu chuyên sâu, dài hơi, đòi hòi nguồn tài chính lớn", ông Khổng Văn Đông, Giám đốc trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Tổng Công ty Giải pháp Viettel (Viettel Solutions), chia sẻ.
Theo thống kê, các hệ thống trong lĩnh vực y tế của Viettel đang hỗ trợ quản lý một lượng dữ liệu lớn như hồ sơ sức khỏe của 19 tỉnh với 3.900 cơ sở trong đó có 4,2 triệu hồ sơ liên thông, 5 triệu hồ sơ tạo lập, 18 triệu nhân khẩu, 5,6 triệu hộ khẩu. Hệ thống Quản lý bệnh viện tại 40 tỉnh với 200 bệnh viện, 3.800 đơn vị y tế cơ sở tại 34 tỉnh. Bên cạnh đó là hệ thống tiêm chủng quốc gia trên 63 tỉnh, thành với 14.000 cơ sở, 22 triệu người...
Với sự tự tin về hạ tầng mạng lưới, nền tảng công nghệ, đội ngũ chuyên gia, Viettel không ngại nhận những dự án quy mô lớn với khoảng thời gian ngắn, thậm chí tính bằng giờ.
Chiều mùng 4 Tết Canh Tý (28/1/2020), ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng công ty Viettel Solutions (VTS) bất ngờ nhận cuộc gọi từ Chủ tịch Tập đoàn Viettel, với nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Y tế triển khai ngay một hệ thống cầu truyền hình kết nối 23 bệnh viện để phục vụ công tác chống dịch. Theo ông Hổ, thông thường phải mất cả tháng để chuẩn bị nhưng Viettel chỉ có hơn một ngày để triển khai vì mùng 6 Tết đã phải họp thông báo.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu tấn công Việt Nam cũng là lúc hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Y tế rơi vào tình trạng quá tải khi phải nhận một lượng cập lớn chưa từng có. Ban chỉ đạo xác định truyền thông có vai trò quan trọng trong thời điểm này, nên cần có ngay các kênh thông tin chính thức để người dân kịp thời cập nhật thông tin, đồng thời hỗ trợ các đơn vị y tế các tỉnh, thành.
Nhận nhiệm vụ gấp gáp nhưng chỉ sau 6 ngày VTS đã giúp Bộ Y tế khai trương ứng dụng "Sức khoẻ Việt Nam" (ngày 8/2/2020) trên thiết bị di động và sau đó là hệ thống web tại địa chỉ chỉ suckhoetoandan.vn. Điều này vừa giúp giảm tải cho ngành y tế, vừa đảm bảo truyền thông tránh thông tin gây nhiễu sai sự thật.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ khó, VTS lại nhận thêm nhiệm vụ "bất khả thi" là xây dựng hệ thống thông tin khai báo y tế điện tử trong vòng 48 giờ. Yêu cầu ban đầu là 24 giờ nhưng xác định khối lượng công việc quá lớn nên thời gian được kéo dài thêm một ngày. Nhận nhiệm vụ ngày 4/3/2020, và đến 0h sáng ngày 7/3, hệ thống (bằng 12 ngôn ngữ khác nhau) đã được đưa vào vận hành tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để đón các đoàn khách đầu tiên.
"Nhờ vào hệ thống này thời gian trung bình để tìm được một hành khách bay trên một chuyến bay có bệnh nhân nhiễm covid-19 chỉ mất khoảng nửa giờ. Trước đó thời gian để xác định trung bình mất 4 ngày và phải sử dụng nguồn nhân lực cực lớn từ các cơ quan chức năng", ông Khổng Văn Đông Giám đốc trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Tổng Công ty Giải pháp Viettel, cho biết.
Đầu tháng 4/2021, chỉ sau 2 tuần được giao nhiệm vụ, Viettel Solutions đã sẵn sẵn sàng triển khai giải pháp "hộ chiếu vaccine". Thời gian triển khai gấp với nhiều yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhưng theo ông Lưu Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Viettel Solutions, đơn vị này không gặp quá nhiều áp lực bởi đã lường trước khả năng phải triển khai "hộ chiếu vaccine" và đã có chuẩn bị giải pháp cho vấn đề này.
Điều này phần nào cho thấy, Viettel đã có sự chuẩn bị suốt nhiều năm liền cho công cuộc số hóa của ngành y tế. Nhờ đó mà tập đoàn kịp thời có những đóng góp tích cực vào công tác phòng chống dịc Covid-19 cùng Bộ Y tế và Chính phủ.
"Viettel đã chuẩn bị sẵn các công nghệ nền tảng, thậm chí các ứng dụng y tế cũng đã được đặt sẵn trên các kho Google Play và App store sau đó triển khai và đổi tên. Nếu lúc đó mới làm thì có thể mất vài tuần chưa đưa lên các kho ứng dụng được", ông Đông chia sẻ.
Cũng theo ông Đông, quãng thời gian để chuẩn bị cho việc khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel phối hợp Bệnh viện Đại học Y và các bệnh viện vệ tinh triển khai thí điểm chỉ vỏn vẹn một tuần. Trong khi thông thường để chuẩn bị cho việc này phải mất trung bình 2 năm.
"Đây không chỉ đơn thuần là bài toán kết nối mà là một nền tảng platform giúp truyền toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân đến bác sĩ. Hiểu một cách đơn giản là ở đầu này đặt ống nghe vào ngực bệnh nhân thì ở đầu kia bác sĩ cũng nghe được như đang ở bên cạnh bệnh nhân", ông Đông giải thích.
Theo ông Khổng Văn Đông, Viettel xác định cần tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế, giáo dục để hỗ trợ xã hội được nhiều nhất. Tập đoàn có đơn vị nghiên cứu các giải pháp công nghệ thông tin dành riêng cho ngành y tế trong nhiều năm.
"Chúng tôi đặt mục tiêu, khi ngành y tế cần bất cứ sản phẩm nào, họ sẽ nhớ đến Viettel đầu tiên. Năm qua, tôi thường xuyên được trao đổi trực tiếp với đại diện Chính phủ và Bộ Y tế về ý tưởng các sản phẩm mới nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Đông chia sẻ.
Thời gian sắp tới, Viettel sẽ tập trung đưa trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào ngành y tế, cụ thể là các nền tảng như hồ sơ sức khỏe, mã số y tế, dịch vụ công, quản lý an toàn thực phẩm. Liên quan đến "hộ chiếu vaccine", Viettel sẽ đưa vào áp dụng các công nghệ như blockchain, nhận diện sinh trắc học.
Với dịch vụ Telehealth, Viettel có tham vọng đưa công nghệ này đến từng hộ gia đình, kết nối trực tiếp từng khu công nghệ - nơi yếu thế về dịch vụ y tế. Tập đoàn này kỳ vọng đến ngày 1/7, hệ thống đặt lịch khám quốc gia sẽ được vận hành. Với hệ thống này, người dân có thể đặt lịch khám qua điện thoại, tổng đài, ứng dụng, cổng thông tin.
Xác định hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành y tế, nhưng Viettel quan niệm không bao giờ làm một mình. Với mỗi dự án, Viettel sẽ tập hợp các nguồn lực từ xã hội như các start-up, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân khác để khai thác thế mạnh riêng. "Viettel muốn đóng vai trò dẫn dắt chủ trì tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển theo và tạo ra những sản phẩm , dịch vụ tốt nhất cho xã hội", ông Đông nói.
"Quá trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của Viettel, sẽ giúp tạo ra những thay đổi toàn diện, căn bản cho lĩnh vực này. Việc áp dụng công nghệ số để quản lý nhân lực ngành y và thông tin sức khỏe cá nhân, là hai yếu tố cốt lõi, sẽ tạo ra những thay đổi đối với ngành", ông Khổng Đông chia sẻ.
Thứ nhất, thông qua hệ thống quản lý mạng y tế Việt Nam, thông tin của hơn 500.000 cán bộ ngành y "online" sẽ giúp việc điều phối, hỗ trợ nguồn lực được thuận lợi. Nhân lực của ngành sẽ được xây dựng thành đội hình 1-4-4-2, nghĩa là một bác sĩ TƯ sẽ hỗ trợ 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và hai bác sĩ tuyến xã.
Thứ hai, thông qua hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân, thông tin của người dân sẽ được quản lý một cách khoa học. Các dữ liệu như chỉ số sức khỏe, môi trường sống, tiền sử bệnh tật, gia đình, dữ liệu khám bệnh tại các cơ sở y tế đều được cập nhật đầy đủ và liên tục... Thông tin sẽ được phân tích, tạo thành bản sao số cho từng người dân, đồng thời, được AI phân tích, gợi ý tình trạng sức khỏe có thể gặp phải trong tương lai và hướng điều trị dự phòng.
Việc áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp các "bệnh viện thông minh" ra đời, góp phầncải thiện năng suất lao động, giảm thiểu các sai sót y khoa. Đơn cử, việc đưa AI vào quá trình siêu âm, sẽ giúp các bác sĩ phát hiện bất thường bằng cách phát tín hiệu. Thậm chí, AI còn có thể gợi ý cho kỹ thuật viên về dấu hiệu của bệnh. Khi đó, quá trình siêu âm sẽ không chỉ dựa vào kinh nghiệm, kiến thức của một bác sĩ mà là tri thức của nhiều người, mang tính hội chẩn, giảm sai sót y khoa.
An Nhiên
Thiết kế: Tấn Nguyễn