Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông nước ngoài kể từ khi chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, Abu Hassan al-Hamwi, người đứng đầu nhánh quân sự của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), kể lại cách họ liên lạc, xây dựng liên minh với ở các nhóm nổi dậy ở phía nam để tạo thành mặt trận thống nhất với mục tiêu cuối cùng là bao vây Damascus từ hai hướng.
Ông cho biết kế hoạch cho chiến dịch lật đổ tổng thống Assad được bắt đầu cách đây một năm, sau thời gian dài HTS làm công tác chuẩn bị và rút kinh nghiệm từ các thất bại trước quân đội chính phủ Syria.
Tháng 8/2019, quân đội chính phủ Syria với sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga mở chiến dịch quy mô lớn tấn công các nhóm nổi dậy, đánh bại họ ở phía bắc và phía nam, giành lại nhiều vùng lãnh thổ quan trọng. Nhóm nổi dậy ở phía nam Syria buộc phải chấp nhận một "thỏa thuận hòa giải" với chính phủ, còn HTS bị đẩy lùi tới tỉnh Idlib ở tây bắc Syria và phải dựa vào sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo chỗ đứng chân.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thay mặt các lực lượng đối lập đàm phán lệnh ngừng bắn với chính phủ Syria vào mùa xuân năm 2020, HTS chỉ còn có thể hoạt động trong một vùng đất nhỏ ở Idlib, nơi họ vẫn nung nấu kế hoạch lật đổ tổng thống Assad.
"Sau thất bại vào tháng 8/2019, tất cả phe phái nổi dậy đều nhận ra một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Vấn đề cơ bản là chúng tôi thiếu sự lãnh đạo thống nhất và khả năng kiểm soát trận chiến", al-Hamwi, 40 tuổi, người đã có 5 năm lãnh đạo nhánh quân sự HTS, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 13/12 tại Jableh, thành trì cũ của chính quyền Assad.
HTS nhận ra rằng nếu muốn đánh bại chính phủ của ông Assad, họ cần thiết lập trật tự cho liên minh hỗn loạn của các phe phái đối lập vốn hỗn tạp và thiếu tổ chức. Họ đã vạch một chiến lược để hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng đối lập thành đội quân chiến đấu có kỷ luật.
Họ yêu cầu các nhóm khác tập hợp dưới sự bảo trợ của mình và khi bị từ chối, họ dùng đến vũ lực để khuất phục. HTS đã giao tranh với Hurras al-Din, chi nhánh của al-Qaeda, vốn phản đối chiến lược thực dụng mà HTS theo đuổi. Sau khi đánh tan Hurras al-Din, HTS đã trở thành thế lực thống trị khu vực tây bắc Syria.
Khi các phe phái dần thống nhất về mặt chính trị, al-Hamwi bắt đầu huấn luyện thành viên của các nhóm và phát triển một học thuyết quân sự toàn diện.
"Chúng tôi đã nghiên cứu quân đội Syria rất kỹ lưỡng, liên tục phân tích chiến thuật của họ và sử dụng những hiểu biết này để phát triển lực lượng", ông nói.
Từ một nhóm hỗn tạp, HTS dần trở thành lực lượng chiến đấu có kỷ luật, với các nhánh vũ trang, đơn vị chuyên biệt và lực lượng an ninh được thành lập.
HTS cũng bắt đầu tự sản xuất vũ khí, phương tiện và đạn dược. Một đơn vị máy bay không người lái (UAV) hình thành, tập hợp các kỹ sư, thợ máy và nhà hóa học.
"Chúng tôi đã tận dụng kiến thức của họ và đặt ra mục tiêu rõ ràng: Chúng tôi cần UAV trinh sát, tấn công cũng như tự sát, chú trọng vào tầm hoạt động và khả năng chống chọi biện pháp gây nhiễu", al-Hamwi cho biết, thêm rằng việc sản xuất UAV đã bắt đầu từ năm 2019.
Phiên bản UAV tự sát mới nhất do HTS sản xuất được al-Hamwi đặt tên là "Shahin", tức "chim ưng" trong tiếng Arab, tượng trưng cho độ chính xác và sức mạnh của chúng.
UAV Shahin lần đầu tiên được triển khai trong tháng 11, khi HTS bắt đầu chiến dịch tấn công quân đội chính phủ. Chúng đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi có thể vô hiệu hóa pháo binh Syria.
HTS đã truyền đạt kế hoạch tấn công cho các nhóm nổi dậy ở phía nam đất nước vào năm ngoái và bắt đầu tư vấn cho họ cách thiết lập một mặt trận đấu tranh thống nhất.
Miền nam Syria nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền tổng thống Assad từ năm 2018. Sau thỏa thuận "hòa giải", các nhóm nổi dậy phải rút vào hoạt động ngầm. Phần lớn lãnh đạo quân sự của phe đối lập ở miền nam Syria đã sống lưu vong ở Jordan nhưng vẫn duy trì liên lạc với bên trong đất nước.
Nhờ HTS giúp đỡ, một ban điều hành đã được thành lập, tập hợp các chỉ huy từ khoảng 25 nhóm nổi dậy ở miền nam, những người sẽ điều phối các hoạt động của họ với nhau và với HTS ở miền bắc. Mục tiêu là để HTS và các đồng minh ở phía bắc và lực lượng nổi dậy ở phía nam cùng tập kết tại thủ đô Damascus.
Đến cuối tháng 11, nhóm quyết định đã đến lúc hành động.
HTS trước hết muốn ngăn chặn việc các cường quốc khu vực, dẫn đầu bởi những quốc gia như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi, bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad sau nhiều năm Syria bị cô lập về mặt ngoại giao.
Họ cũng muốn làm giảm cường độ các cuộc tấn công từ trên không vào tây bắc Syria.
Cuối cùng, sau khi nhận ra các đồng minh quốc tế của chính quyền Assad đang bị phân tâm bởi vấn đề của riêng họ, HTS đã phát động chiến dịch, tấn công thành phố chiến lược Aleppo vào ngày 29/11.
Nga, nước cung cấp phần lớn hỗ trợ trên không, đang tập trung nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Iran và Hezbollah, bên cung cấp lực lượng bộ binh tinh nhuệ nhất cho chính quyền Assad, đang phải chật vật đối phó với Israel.
Khi HTS tấn công, các tay súng dân quân Hezbollah đã cố gắng bảo vệ Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, nhưng phải sớm rút lui.
"Chúng tôi có niềm tin rằng Damascus không thể sụp đổ nếu Aleppo chưa thất thủ. Sức mạnh của chiến dịch tập trung ở phía bắc và chúng tôi tin một khi kiểm soát Aleppo, chúng tôi có thể tiến về phía nam, hướng thẳng tới Damascus", al-Hamwi nói.
Sau khi Aleppo thất thủ, đà tiến công của quân nổi dậy ở miền bắc dường như không thể ngăn cản. 4 ngày sau, họ chiếm Hama, thành phố lớn thứ tư đất nước, án ngữ trục đường cao tốc chiến lược hướng tới Damascus. Ngày 7/12, họ bắt đầu cuộc tấn công vào Homs, chiếm thành phố chỉ trong vòng vài giờ.
Abu Hamzeh, lãnh đạo ban điều hành giải phóng Damascus ở miền nam, cho hay theo kế hoạch, họ phải đợi đến khi Homs thất thủ mới bắt đầu nổi dậy, nhưng vì quá phấn khích, họ đã bắt đầu sớm hơn.
Lực lượng nổi dậy ở miền nam nhanh chóng đánh bại quân đội Syria phòng thủ ở thành phố Daraa và tiến về Damascus, trước cả HTS.
Ngày 8/12, tổng thống Assad rời khỏi đất nước, chính phủ Syria sụp đổ, đánh dấu chiến thắng cuối cùng cho phe nổi dậy.
Al-Hamwi, xuất thân là một kỹ sư nông nghiệp, giờ đây sẽ được giao trọng trách mới trong chính quyền dân sự do HTS dẫn dắt. Ông thừa nhận xây dựng một quốc gia mới không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Nhiều nhóm tôn giáo thiểu số lo ngại HTS sẽ áp đặt giáo lý của riêng họ và buộc tất cả phải tuân theo.
Tuy nhiên, al-Hamwi khẳng định "các nhóm thiểu số ở Syria là một phần của quốc gia và có quyền thực hành các nghi lễ tôn giáo, giáo dục hay mọi hoạt động khác giống như mọi công dân Syria bình thường".
"Chính quyền Assad đã gieo rắc sợ hãi và chúng tôi đang cố gắng hết sức để thu hẹp những chia rẽ này", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)