Hồi tháng 3, tờ SCMP ở Hong Kong đăng bài báo dẫn dữ liệu truy vết của chính phủ Trung Quốc cho thấy ca Covid-19 đầu tiên có thể được ghi nhận vào ngày 17/11/2019. Đó là một bệnh nhân 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, dù "bệnh nhân số 0" đến nay vẫn chưa được xác định. Giới chức Trung Quốc chỉ chính thức xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 8/12/2019.
Trong nhiều tuần sau đó, nhân viên y tế ở Vũ Hán đã điều trị hàng chục bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. Các bệnh nhân này biểu hiện một loạt triệu chứng lạ, gồm sốt cao, ho và gặp các vấn đề về hô hấp.
Trong số các bệnh nhân này có một cặp vợ chồng lớn tuổi đến điều trị tại Bệnh viện Liên hợp Trung - Tây y tỉnh Hồ Bắc vào ngày 26/12. Bác sĩ Trương Kế Tiên, người đã khám cho cặp vợ chồng, nói với hãng thông tấn Xinhua hồi tháng 4 rằng căn bệnh "giống như cúm hoặc viêm phổi thông thường".
Tuy nhiên, ảnh chụp CT cho thấy những bất thường ở phổi của bệnh nhân, vốn không phải đặc điểm thường thấy của hai bệnh trên.
Bác sĩ Trương từng là chuyên gia y tế trong đợt bùng phát đại dịch SARS bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2003, dịch bệnh giết chết hơn 800 người trên toàn thế giới. Bằng kinh nghiệm của mình với dịch bệnh này, cũng do một chủng virus corona gây ra, bác sĩ đánh giá cặp vợ chồng có thể mắc một bệnh truyền nhiễm mới.
Sau khi xem phim chụp CT của hai vợ chồng, Trương Kế Tiên yêu cầu con trai họ cũng cần được kiểm tra. "Lúc đầu, con trai họ từ chối khám. Cậu ấy không có triệu chứng gì, cùng không cảm thấy khó chịu, và tin rằng chúng tôi đang cố lừa tiền cậu ấy", bác sĩ Trương nói với Xinhua khi đó.
Cuối cùng, cậu con trai cũng đồng ý kiểm tra, với ảnh chụp CT cho thấy phổi của cậu cũng xuất hiện những bất thường như bố mẹ mình. "Không thể có chuyện cả ba người trong một nhà cùng mắc một loại bệnh vào cùng thời điểm, trừ khi đó là bệnh truyền nhiễm", bà Trương nói.
Ngày 27/12, một bệnh nhân khác đến bệnh viện cũng bị sốt, ho và có biểu hiện bất thường ở phổi như gia đình ba người nói trên. Xét nghiệm máu của bệnh nhân thứ tư và gia đình cho thấy họ đang bị nhiễm virus. Nguyên nhân chính xác các triệu chứng của họ chưa rõ, nhưng xét nghiệm cúm đều cho kết quả âm tính.
Bác sĩ Trương sau đó báo cáo cho quan chức tại bệnh viện về việc phát hiện một "căn bệnh do virus" mới. Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ bệnh có thể lây truyền giữa người với người hay không, nhưng các bác sĩ dự đoán "có thể lây nhiễm".
Bác sĩ Trương ngày càng lo lắng và chuyển 4 bệnh nhân vào khu vực cách ly tạm thời trong bệnh viện. Bà cũng yêu cầu nhân viên y tế mang thiết bị bảo hộ cá nhân.
Ngày 29/12, thêm ba bệnh nhân nhập viện với biểu hiện bất thường tương tự ở phổi, khiến bệnh viện mở cuộc điều tra nội bộ do một hội đồng chuyên gia đứng đầu, tờ Workers's Daily của Trung Quốc đưa tin hồi tháng 2. Tất cả những bệnh nhân này được phát hiện đã tiếp xúc với chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.
Cuộc điều tra nội bộ của Bệnh viện tỉnh Hồ Bắc phát hiện các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân là bất thường và cần được điều tra thêm. Nhân viên y tế báo cáo tình hình tới giới chức y tế địa phương vào ngày 29/12.
Điều này thúc đẩy một cuộc điều tra thực địa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán. Cuộc điều tra nhằm phát hiện thêm nhiều bệnh nhân bị viêm phổi có mối liên hệ tiềm ẩn tới chợ Hoa Nam. Cùng ngày, 6 trong số 7 bệnh nhân mắc dịch bệnh mới tại bệnh viện tỉnh Hồ Bắc được chuyển đến Bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán, nơi chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Cuộc tìm kiếm của CDC Vũ Hán phát hiện thêm một số trường hợp và đến ngày 30/12, giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc báo cáo cụm bệnh viêm phổi cho CDC Trung Quốc. Tại thời điểm đó, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đưa ra cảnh báo, thông báo cho cơ quan trực thuộc về cách ứng phó đợt bùng phát bệnh viêm phổi truyền nhiễm có thể xảy ra.
Vào ngày cuối cùng của năm 2019, ủy ban phát thông điệp công khai đầu tiên liên quan đến đại dịch, thông báo cho người dân Vũ Hán về đợt bùng phát dịch viêm phổi do virus. Ủy ban báo cáo 27 ca nhiễm, 7 trong số đó trong tình trạng nguy kịch. Bằng chứng ban đầu của đợt bùng phát cũng được báo cáo cho ProMED, một trong những hệ thống báo cáo dịch bệnh mới công khai lớn nhất trên thế giới.
Trong khi vẫn chưa có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang người và nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, giới chức Vũ Hán khuyên người dân đeo khẩu trang và tránh các khu vực đông người.
Thông báo về sức khỏe cộng đồng được truyền thông địa phương, truyền thông quốc gia đưa tin ở Trung Quốc, và sau đó là một số hãng thông tấn quốc tế. Trên mạng xã hội Trung Quốc cũng bắt đầu lan truyền tin đồn đợt bùng phát có thể liên quan đến virus gây dịch SARS.
"Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo. "Chúng tôi không thể xác nhận thông tin đang được chia sẻ trên mạng rằng đó là virus SARS. Nhiều khả năng là viêm phổi nặng khác".
Trung Quốc điều chuyên gia đến Vũ Hán để tiến hành điều tra, lấy mẫu từ các bệnh nhân và hỗ trợ nỗ lực kiểm soát dịch. Giới chức khi đó cũng đã cách ly toàn bộ bệnh nhân và những người tiếp xúc gần với họ đều được theo dõi.
Ngày 2/1, 41 bệnh nhân nhập viện vì bệnh truyền nhiễm mới, toàn bộ đều được chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàm. Nghiên cứu hồi cứu được tiến hành sau này phát hiện ra rằng số người nhiễm bệnh khi đó cao hơn nhiều con số được báo cáo.
Theo CDC Trung Quốc, các xét nghiệm ban đầu của bệnh nhân bị viêm phổi do virus đều âm tính đối với 26 tác nhân gây bệnh đường hô hấp thông thường.
Đến ngày 7/1, các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận đó là virus corona mới, được đặt tên là nCoV-2019, là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát viêm phổi bí ẩn.
Ngày 24/1, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố báo cáo trên tạp chí y khoa Lancet về việc kiểm tra 41 ca nhập viện tính đến ngày 2/1. Bài báo, cũng là nghiên cứu khoa học được công bố đầu tiên về đợt bùng phát, chỉ ra rằng 27 bệnh nhân trong số này đã tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam, nơi đã bị giới chức Trung Quốc đóng cửa vào ngày 1/1.
13 trong số 41 bệnh nhân này được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực (ICU) và 6 người đã chết, cho thấy tỷ lệ tử vong cao vào thời điểm đó. Nghiên cứu cũng chỉ ra ngày khởi phát triệu chứng của bệnh nhân đầu tiên được xác định là 1/12/2019.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận vẫn có "lỗ hổng lớn" trong hiểu biết của họ về virus, bao gồm nguồn gốc của nó.
Frederick Hayden, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư danh dự tại Đại học Virginia, nói rằng ông biết về dịch bệnh mới này khi phát hiện bài đăng trên ProMED ngày 30/12/2019. Ông nhanh chóng gửi email cho các đồng nghiệp ở Trung Quốc, trong đó có một cộng sự trước đây là Cao Bin tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh, để có thêm thông tin.
"Thực sự tôi rất lo lắng. Tôi không biết đó là một đợt bùng phát dịch SARS hay là virus mới. Ngay từ đầu, có những khẳng định rằng virus không lây từ người sang người. Tất nhiên, điều này sau đó được chứng minh là hoàn toàn không chính xác. Dựa trên các cuộc trao đổi với Cao Bin vào tháng 1, rõ ràng có khả năng lây nhiễm từ người sang người và có thể gây bệnh rất nặng. Họ đang chăm sóc những bệnh nhân nguy kịch vào thời điểm đó", Hayden cho hay.
Shangxin Yang, một nhà vi sinh vật học thuộc trung tâm y tế học thuật UCLA Health, người có đồng nghiệp, gia đình và bạn bè gần tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán, nói rằng ông bắt đầu biết tin đồn từ cuối tháng 12 trên mạng xã hội Trung Quốc rằng SARS đã tái xuất hiện ở nước này. Một công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Bắc Kinh khẳng định họ đã phát hiện virus SARS trong quá trình phân tích mẫu bệnh phẩm được lấy từ một bệnh nhân ở Vũ Hán, người thực sự bị nhiễm loại virus mới.
Tin đồn về SARS, được các bác sĩ chia sẻ trên mạng xã hội, sau đó hóa ra không chính xác, vì công ty đã nhầm virus corona mới với bệnh SARS do sự tương đồng cao về cấu trúc gene.
"Nhiều người lúc đó nghi ngờ thông tin này, vì SARS đã biến mất hơn 10 năm, kể từ năm 2003", Yang nói. "Sự xuất hiện trở lại của SARS chắc chắn sẽ là một điều gì đó gây sốc".
Yang không quá chú ý đến những tin đồn về đợt bùng phát dịch SARS mới cho đến cuối năm, khi ông thấy hình ảnh đăng trên mạng xã hội Trung Quốc chụp một thông báo của chính quyền Vũ Hán dán tại một bệnh viện địa phương, cảnh báo nhân viên y tế về đợt bùng phát viêm phổi mới.
"Tôi đã nhìn thấy và nghĩ, 'điều đó trông rất thật', và tôi nhớ mình đã nhảy ra khỏi giường. Bạn biết một công ty đã giải trình tự gene và báo cáo đây là SARS, và rồi bạn biết cơ quan chức năng phát thông báo này cho tất cả bệnh viện ở Vũ Hán, yêu cầu họ báo cáo trực tiếp bất kỳ trường hợp nào như vậy cho quan chức y tế công cộng địa phương", ông cho hay.
"Sau đó, tôi nhận ra đó là đợt bùng phát dịch thực sự. Cho dù đó là sự tái xuất của SARS hay một loại virus mới, vào thời điểm đó, tôi không hoàn toàn chắc chắn, nhưng tôi nhận ra đó là sự thật", Yang nói thêm.
Trong suốt tháng 1, truyền thông quốc tế ngày càng quan tâm đến sự bùng phát virus corona mới, trong khi virus này bắt đầu lây lan khắp thế giới.
Ngày 12/1, Trung Quốc công khai chia sẻ trình tự gene của virus corona mới. Chỉ một ngày sau, giới chức Thái Lan xác nhận một trường hợp mắc Covid-19, ca nhiễm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Đến ngày 20/1, virus đã lây lan khắp Trung Quốc và một số quốc gia khác gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ, khi các chính phủ vật lộn để ứng phó với đợt bùng phát.
Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, vào ngày 23/1 khi sự hoảng loạn và hoang mang lan rộng. Lần đầu tiên các trường hợp mắc Covid-19 được báo cáo ở Singapore và Việt Nam, với tổng số ca bệnh được xác nhận trên toàn cầu tăng vọt lên 500. Tính đến thời điểm này, ít nhất 17 người đã chết vì Covid-19.
Thế giới dõi theo khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, được hoàn thành chỉ trong 10 ngày, và hình ảnh quan chức y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân đi kiểm tra thân nhiệt của cư dân ở các thành phố Trung Quốc.
Đến ngày 28/1, một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus dẫn đầu đã đến Trung Quốc để gặp lãnh đạo nước này và tìm hiểu phản ứng của các cơ quan chức năng, cũng như hỗ trợ Trung Quốc ứng phó dịch bệnh.
Chỉ hai ngày sau, hàng nghìn trường hợp mới được xác nhận tại Trung Quốc, khiến WHO tuyên bố tình trạng "khẩn cấp về y tế cộng đồng", trong khi chính phủ Mỹ cảnh báo người dân không nên đến Trung Quốc và kêu gọi những người Mỹ đang ở nước này nên rời đi.
Ngày 11/3, virus được ghi nhận ở mọi lục địa, trừ Nam Cực. WHO tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là đại dịch.
Rất lâu trước khi Covid-19 bùng phát, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch chết người toàn cầu. Vào tháng 9/2019, ngay trước khi loại virus corona mới xuất hiện, một nhóm nhà khoa học quốc tế cho biết trong một báo cáo rằng nỗ lực chuẩn bị cho đại dịch như vậy là "hoàn toàn không đủ".
Một năm trôi qua, và các bài học đã được rút ra một cách khó khăn, với quỹ đạo tương lai của đại dịch vẫn chưa chắc chắn. Gần 56 triệu người đã nhiễm virus và hơn 1,3 triệu người đã chết. Đại dịch cũng gây tổn hại kinh tế vô cùng lớn đối với các quốc gia trên toàn cầu. Nhiều nước cũng đang gấp rút phát triển vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng hiện chưa thể xác định thời điểm vaccine sẽ ra mắt.
Huyền Lê (Theo Newsweek)