Thứ hai, 16/1/2023, 14:28 (GMT+7)

Mong Tết về với gia đình

Những ngày giáp Tết khiến tôi bồi hồi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nôn nao mong ngóng được trở về.

Tết là mốc thời gian chuyển giao mang tính tâm linh để mọi người mong chờ cơ hội đón vận may, bỏ lại mọi ưu phiền, hướng tới những gì mới mẻ, tốt đẹp phía trước.

Vào những ngày giáp Tết, theo phong tục, tôi bao sái ban thờ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhằm dọn bỏ hết đi những điều không may của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với nhiều may mắn, tài lộc.

Đã là Tết thì không thể thiếu bánh chưng (miền Bắc). Thông thường, qua ngày thắp hương Ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), mẹ tôi đi chợ mua lá dong, ống giang, ngâm đỗ để chuẩn bị gói bánh chưng. Sau đó, mỗi người một việc, người rửa lá, người vo gạo, đãi đỗ, chẻ lạt…

Dường như nhờ có việc gói bánh chưng, mà cái Tết trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn. Năm nào cũng vậy, mẹ và bà đều dặn tôi mang biếu anh em, họ hàng, mỗi nhà một hai cặp bánh chưng.

Vào những ngày cuối năm, bên cạnh nồi bánh chưng thơm lừng, chậu nước lá mùi cũng là mùi hương không thể thiếu. Theo quan niệm xưa, tắm gội nước lá mùi già vào ngày cuối cùng của năm mang ý nghĩa gột rửa, xua đi những điều chuyện không hay của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu tốt đẹp hơn.

Người Việt Nam không chỉ đón Tết bằng vật chất mà còn đón Tết về mặt tinh thần. Tết ngày nay có phần đơn giản hơn về nhiều mặt tục lệ, ăn uống nhưng sự đoàn tụ sau một năm dài xa cách chính là điều ý nghĩa nhất của mỗi người con xa quê như tôi.

Tuyết Vân

Tuyết Vân

Bài dự thi khác

Xem thêm