Nỗi lo ngại đó cho thấy cơ hội phản công dành cho Ukraine không kéo dài mãi mãi và nước này cần sớm nhận được những vũ khí mạnh hơn của phương Tây như xe tăng chiến đấu chủ lực, thiết giáp và hệ thống phòng không hiện đại, để phát huy những thành quả đã đạt được vài tháng trước.
Điều này trái ngược với tâm lý lạc quan vào mùa xuân năm ngoái, khi quân đội Nga hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp và phải rút quân khỏi miền bắc Kiev. Chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của Nga sụp đổ khiến các nước phương Tây thời điểm đó đã hy vọng rằng cuộc chiến càng kéo dài, Ukraine càng có nhiều cơ hội thắng thế.
Các quan chức phương Tây cho rằng nếu châu Âu và Washington giữ vững tinh thần và duy trì mặt trận đoàn kết sau một mùa đông khó khăn, khó khăn về kinh tế và loạt bước lùi trên chiến trường có thể buộc Nga phải tìm đường lui khỏi cuộc xung đột, thậm chí quyết định ngồi vào bàn đàm phán.
Một số biện pháp trừng phạt cứng rắn từ phương Tây, như lệnh cấm vận dầu mỏ và áp trần giá dầu Nga, giờ đây mới bắt đầu có hiệu lực. Nền kinh tế Nga được dự đoán phải chịu một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm nay và có thể tiếp tục suy giảm trong nhiều năm tới.
Nhưng khi cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp kéo dài trong một năm, niềm tin đó ngày càng lung lay. Có rất ít dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt khiến quân đội Nga phải ngừng hoạt động hoặc gây áp lực kinh tế đủ lớn lên Điện Kremlin đến mức làm mất đi ủng hộ ở trong nước đối với chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nga chưa thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn sớm chấm dứt chiến sự. Thay vào đó, Điện Kremlin dường như đang tìm cách phát động một chiến dịch tấn công mới trong những tháng tới, với gần 300.000 lính dự bị được huấn luyện tốt hơn sắp được tung ra tiền tuyến, sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt. Những bước tiến gần đây của Nga quanh thành phố Bakhmut, vùng Donbass, miền đông Ukraine, là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Điều này khiến một số nước phương Tây lo ngại Moskva có thể giành lại lợi thế trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Vì thế, quan điểm chủ đạo hiện nay ở Mỹ và châu Âu là phải cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hơn, nhằm giúp nước này áp đảo hỏa lực Nga và thay đổi cục diện cuộc chiến.
Các quan chức Anh gần đây tuyên bố mối đe dọa do Nga gây ra có thể gia tăng theo thời gian và rằng cần phải lập tức cung cấp cho Ukraine những trang thiết bị, vũ khí giúp nước này phá vỡ thế bế tắc.
"Chúng ta đã có cơ hội đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài cho người dân Ukraine. Chúng ta hãy tiếp tục thúc đẩy nó", Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 25/1 viết trên Twitter trong thông điệp hoan nghênh quyết định của Đức và Mỹ cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Ukraine.
Các quan chức phương Tây cho biết dư luận ở châu Âu và Mỹ vẫn kiên định ủng hộ viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Nhưng Tổng thống Putin có thể đặt cược rằng những hỗ trợ như vậy sẽ không thể duy trì qua nhiều năm xung đột và Mỹ sẽ bầu cử tổng thống vào năm 2024. Đây cũng là lý do khiến phương Tây đẩy nhanh các nỗ lực hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Theo giới quan sát, thay đổi trong tư duy của phương Tây về đẩy nhanh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là một bước ngoặt lớn. Vài tháng trước, khi Ukraine phát động một cuộc phản công thành công, giành lại nhiều vùng lãnh thổ, các quan chức phương Tây đã tin rằng Kiev đang có những gì cần thiết để đạt được bước tiến xa hơn nữa.
Khi đó, một số nước đã kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine để ngăn cuộc xung đột kéo dài nhiều năm.
"Nga vẫn là một quốc gia rộng lớn và có nguồn lực dồi dào hơn về số lượng binh sĩ cũng như khả năng sản xuất vũ khí mà không cần đến các linh kiện nhập từ phương Tây", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, một trong những người đề xuất tăng hỗ trợ Ukraine sớm nhất, nói. "Chúng ta cho họ càng nhiều thời gian thì họ càng tập trung được nhiều người để tấn công Ukraine".
Nhưng nhiều nước phương Tây khi đó vẫn thận trọng với quyết định tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ngay cả khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố hồi tuần trước rằng Berlin sẽ chuyển xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, ông vẫn lưu ý đến mối lo ngại lớn nhất giữa các đồng minh của Kiev về việc gửi thêm các lô vũ khí, trang thiết bị tiên tiến hơn.
"Chúng ta sẽ làm những gì cần thiết và có thể để hỗ trợ Ukraine, nhưng đồng thời vẫn phải ngăn chặn nguy cơ giao tranh leo thang thành một cuộc xung đột giữa Nga và NATO", ông nói.
Một số quan chức phương Tây cũng lo ngại về việc liệu việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine có giúp xung đột kết thúc nhanh hơn hay không.
Mặc dù quân đội Ukraine đã thể hiện vượt xa mong đợi về tốc độ làm quen với cách vận hành và tích hợp những thiết bị quân sự phức tạp của phương Tây, không có gì chắc chắn rằng Kiev có thể một lần nữa tiến hành thành công các chiến dịch phản công như họ đã đạt được vào mùa thu năm ngoái. Phương Tây cũng không có nhiều niềm tin rằng Tổng thống Putin sẽ chấp nhận chấm dứt xung đột khi Ukraine chưa khuất phục.
Anna Wieslander, giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho hay bà hoài nghi về việc các đồng minh phương Tây đã xây dựng được một chiến lược rõ ràng trước phương án tăng quy mô cung cấp vũ khí để giúp Ukraine đối đầu Nga.
"Đây là một giai đoạn rất biến động trong cuộc xung đột, nhưng phản ứng từ các nước phương Tây đến nay chỉ đơn thuần mang tính chiến thuật", bà nói. "Chúng ta thiếu một tầm nhìn chung về cách xung đột sẽ kết thúc và những lô xe tăng, tên lửa viện trợ này phù hợp với tầm nhìn đó như thế nào".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)