Biển Salton ở nam California thu hút nhiều công ty lớn và nhỏ tìm cách tiết kiệm chi phí để khai thác lithium hòa tan trong nước muối nóng bỏng chảy dưới mũi phía nam của hồ nước này. Tuy nhiên, nghiên cứu mới do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tài trợ phát hiện vùng bồn địa này thậm chí chứa nhiều lithium hơn ước tính trước đây. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có tới 18 triệu tấn lithium khai thác được ở biển Salton, đủ để đáp ứng nhu cầu của Mỹ trong nhiều thập kỷ, Mail hôm 4/12 đưa tin. Con số này biến biển Salton thành nguồn dự trữ lithium lớn nhất thế giới, vượt qua cả Chile (9 triệu tấn).
Mỗi tấn lithium hiện nay có giá 29.000 USD, khiến nguồn cung cấp ở biển Salton trị giá hơn 540 tỷ USD. DOE cho biết số lượng lithium ở đây có thể dùng cho bộ pin của hơn 374 triệu xe điện. Lithium hay còn gọi là vàng trắng là kim loại quan trọng để sản xuất pin dùng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh tới xe điện và pin quang năng. Trung Quốc đang thống trị thị trường trong hàng chục năm, chiếm 90% nguồn cung cấp lithium trên thế giới.
Biển Salton dài 56 km, rộng 24 km và rộng 16 m, nằm ở quận Riverside và Imperial của California. Hiện nay, có ba công ty đang tìm cách trở thành đơn vị đầu tiên khai thác mỏ vàng trắng. Berkshire Hathaway Energy (BHE), một trong số đó, nhận được kinh phí 14,9 triệu USD từ DOE vào năm 2021 để nghiên cứu cách sử dụng lithium ở biển Salton để sản xuất lithium hydroxide, hợp chất kim loại đặc biệt giúp sản xuất pin hiệu quả và bền hơn. Công ty này sở hữu 10 trong số 11 nhà máy điện địa nhiệt ở biển Salton. Lithium hydroxide có thể dễ dàng trộn lẫn với nickel để tạo ra pin, khác với lithium thông thường. Việc thêm nickel giúp tăng mật độ năng lượng của pin.
Ngoài BHE, công ty EnergySource cũng nhận được vốn đầu tư để đẩy nhanh triển khai giàn khai thác ở hồ. Công ty Controlled Thermal Resources hồi tháng 1 thông báo thu được lithium từ nguồn nước muối địa nhiệt và dự định xây dựng một nhà máy quy mô lớn tại khu vực. Họ cung cấp cho hơn 22 nhà khoa học mẫu vật nước muối để phân tích và xác định nguồn cung cấp tiềm năng bên dưới hồ. Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy có ít nhất 4 triệu tấn lithium dựa trên phần hồ địa nhiệt đã khoan. Ước tính số lượng lithium lên tới 18 triệu tấn nếu khoan toàn bộ hồ để sản xuất nhiều năng lượng địa nhiệt hơn.
Không giống những mỏ lithium khác ở Mỹ, biển Salton là khu vực hoạt động địa nhiệt chứa lượng lớn kim loại quý hiếm, cho phép các công ty sử dụng hơi giãn áp, tức hút nước nóng áp suất cao từ sâu trong lòng Trái Đất và biến đổi thành hơi nước làm chạy turbine máy phát điện. Hiện nay, phần lớn lithium khai thác từ mỏ đá rắn hoặc hoặc hồ chứa nước muối dưới lòng đất. Nhiều năng lượng dùng cho quá trình khai thác và xử lý lithium đến từ nhiên liệu hóa thạch thải CO2. Theo DOE, hơi giãn áp thân thiện với môi trường hơn những cách khai thác mỏ khác vốn cần nhiều nước và diện tích đất.
Ước tính ban đầu chỉ ra hoạt động thu thập lithium cần khoảng 3% nguồn cung cấp nước có sẵn trong vùng. Quá trình khai thác bao gồm khoan sâu hàng nghìn mét bên dưới đáy biển Salton, sau đó hút nước muối nóng lên mặt đất. Cùng với lithium, kim loại khác như sắt, magiê, canxi và natri cũng được chắt lọc và tách riêng.
An Khang (Theo Mail)