Nền kinh tế số đang bùng nổ trên thế giới, sức nóng của nó cũng lan đến Việt Nam, là đánh giá của ông Đào Việt Anh - Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft. Theo ông, AI mở ra các xu hướng mới, mang lại những cải tiến vượt bậc và thay đổi lớn trong ngành game.
Sự phát triển của AI dẫn đến bước tiến hóa nhân vật tự điều khiển, học hỏi và thích nghi. Điều đó giúp tạo ra nhiều trò chơi có tính thử thách cao và hấp dẫn, mang lại trải nghiệm ảo có ý nghĩa hơn.
"Không ai có thể đoán trước được thế hệ tiếp theo của trò chơi web3 hoặc metaverse cuối cùng sẽ như thế nào. Nhưng tôi chắc chắn sự hoà nhịp giữa AI và các công nghệ tiên tiến khác trong metaverse sẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm mờ đi ranh giới giữa thế giới vật lý cùng kỹ thuật số", đại diện tập đoàn nói.
Với hơn nhiều kinh nghiệm trong ngành game, quản lý Microsoft đưa ra một số phác thảo về bức tranh thị trường, xếp theo thể loại trò chơi.
Hyper-casual duy trì đà tăng trưởng
Game hyper-casual có nội dung tối giản đi kèm cách chơi dễ nắm bắt. Người chơi có thể chơi ngay lập tức khi vừa cài đặt mà không cần bất cứ hướng dẫn nào.
Một số ví dụ kinh điển của thể loại này như Flappy Bird - sản phẩm huyền thoại của người Việt, góp phần giúp dòng game tối giản "sống" lại trên toàn cầu. Sau Flappy Bird, phong trào sáng tác game hyper-casual thêm sôi nổi. Game làm toán 2048, Candy Crush... cũng từng làm nên cơn sốt trong cộng đồng, đến nay vẫn có nhóm người chơi trung thành.
Ông Việt Anh đánh giá, đại dịch Covid-19 đã làm suy thoái xã hội và các nền kinh tế trên toàn thế giới. Nhưng cũng chính thời gian giãn cách đã góp phần đáng kể vào việc thu hút nhiều người dùng hơn đến với thể loại hyper-casual.
Giao diện đơn giản và sức hấp dẫn kỳ lạ, tập trung hoàn toàn vào gameplay. Vì vậy dòng game này có tỷ lệ chơi lại rất cao (Retention Rate), gây "nghiện". Đây là lý do quản lý Microsoft có niềm tin hyper casual sẽ tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng download. Trong đó, dự báo Việt Nam lọt vào top 6 quốc gia có lượng download cao nhất thế giới.
Game ăn theo IP lớn, bắt xu hướng sẽ thành công
Dòng game chuyển thể từ tiểu thuyết, phim điện ảnh ăn khách luôn có sức hút đặc biệt. Điều này khá dễ hiểu vì chúng xây dựng trên kịch bản hấp dẫn, nhiều tình tiết lôi cuốn, kịch tính, hệ nhân vật đa dạng phủ rộng đến nhiều nhóm người dùng. Một số tác phẩm lồng ghép yếu tố văn hóa, thần thoại, viễn tưởng, mang đến thế giới ảo sống động.
Điều này khiến các nhà sản xuất hàng đầu không ngại ngần đầu tư cho việc xây dựng, chuyển thể các IP từ phim, truyện sang thị trường game. Thời gian tới, các IP liên quan tới Tam Quốc, Tiên hiệp vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc, Việt Nam.
Hàn Quốc thể hiện sự ưu ái với Marvel hoặc chuyển thể webtoon Hàn. Thị trường Nhật Bản gồm loạt IP anime, manga như OnePiece, One Punch Man, Dragon Ball... cũng dần được nhà sản xuất Trung Quốc mua và phát triển thành tựa game liên quan.
Nhập vai (RPG) và chiến thuật dẫn đầu về doanh thu
Dòng game RPG luôn đứng đầu về doanh thu trong nhiều năm qua, với đóng góp nhiều nhất đến từ các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng doanh thu trong phân khúc trò chơi nhập vai đạt 76,9 tỷ USD với 8,76 tỷ lượt tải vào năm 2022. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 7,29%, ước tính khối lượng thị trường dự kiến sẽ cán mốc 118,3 tỷ USD vào năm 2027.
Trong toàn thị trường RPG Việt Nam, phân khúc MMORPG (game nhập vai trực tiếp nhiều người chơi) vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn với các sản phẩm ra mắt liên tục. Dòng game này hiện đa dạng về gameplay, thúc đẩy người chơi chi trả nhiều hơn cho các vũ khí, kỹ năng, thứ hạng
Nhìn tổng thể, ông Việt Anh tin rằng thể loại RPG và chiến thuật vẫn sẽ có tổng doanh thu dẫn đầu toàn ngành. Động lực chính cho tăng trưởng doanh thu là những game mới như MU Vượt thời đại, Genshin Impact, Lord Mobile hay Rise Kingdom.
Thể thao điện tử tiếp tục rực rỡ
"Trong top đầu bảng xếp hạng doanh thu và download luôn xuất hiện thể thao điện tử. Vì vậy năm nay eSports sẽ tiếp tục củng cố vị thế với doanh thu ổn định, dòng đời sản phẩm dài và khách hàng trung thành", đại diện Microsoft nói.
Ông Việt Anh lập luận, hiện nay hệ thống giải đấu đã hoàn thiện, doanh thu ổn định. Covid-19 khiến các sự kiện offline không thể diễn ra, tuy nhiên lượng người theo dõi các giải đấu eSports vẫn tăng lên đáng kể theo từng năm. Năm 2022, toàn thế giới có 532 triệu người theo dõi các trận đấu eSports, theo Statista.
Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021 phát hành bởi Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) thống kê, lượng game thủ eSports trong nước đã vượt ngưỡng 18 triệu. Tại SEA Games 31 (năm 2022), eSports Việt Nam ghi dấu ấn khi mang về 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.
Cơn sốt game NFT
Trào lưu "Play to Earn" của các game NFT trên nền tảng công nghệ blockchain đang tạo ra cơn sốt trên thị trường, thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam. Các đơn vị vừa và nhỏ cũng đang tham gia thị trường này như Gamota, Gosu.
Theo Đào Việt Anh, xu hướng này sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều studio Việt mới nổi, có giá trị vốn hóa vượt qua những ông lớn trên thị trường.
Một thực trạng hiện nay, theo đại diện Microsoft, các studio Việt đang tập trung nhiều hơn cho hyper-casual chứ không tạo ra sản phẩm game AAA. Vì thế Microsoft muốn hỗ trợ phát triển nhà phát triển trong nước vươn ra tầm thế giới, thông qua hệ sinh thái của tập đoàn gồm Founders Hub, Github, ID@Azure... Từ những chương trình này, các studio có thể tạo ra những game AAA trong tương lai.
Cuối năm 2022, Yahoo Finance công bố danh sách 20 công ty game lớn nhất thế giới. Dẫn đầu danh sách là Microsoft với doanh thu 2021 lên đến 168,08 tỷ USD. Ngoài chuyên sản xuất phần mềm máy tính, điện tử tiêu dùng và máy tính cá nhân, "ông lớn" giới công nghệ còn sở hữu một trong những dòng máy chơi game nổi tiếng - Xbox.
Minh Tú
Sự kiện Vietnam GameVerse 2023 sẽ được tổ chức ngày 1-2/4 tại TP HCM.
Đăng ký tham gia tại đây.