Nhiều điểm bất hợp lý trong lời khai của Phan Quốc Việt được luật sư Huỳnh Phương Nam, một trong hai người bào chữa cho cựu thứ trưởng Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc, nêu trong phần bào chữa.
Ông Tạc bị VKS đề nghị 3-4 năm tù với cáo buộc thiếu quản lý trong giai đoạn nghiên cứu, khiến đề tài chế tạo kit test của Nhà nước bị Việt Á biến thành tài sản tư nhân. Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt khai đã đưa quà là 50.000 USD song từ giai đoạn điều tra đến phiên toà này ông Tạc luôn khẳng định "chỉ nhận 100 triệu đồng".
Luận tội sáng nay, VKS cho rằng con số 50.000 USD là "có căn cứ", dựa vào ba yếu tố: lời khai của Việt cùng cấp phó Vũ Đình Hiệp và cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng; dữ liệu điện tử, sao kê ngân hàng và thực nghiệm điều tra.
Bào chữa cho ông Tạc, luật sư Nam cho rằng, cả ba căn cứ trên đều "cần xem xét lại".
Luật sư phân tích, Việt và Hiệp đều có ít nhất 3 lần thay đổi lời khai, nội dung mâu thuẫn nhau và do đó không thể coi là bằng chứng.
Tại bản cung đầu tiên ở cơ quan điều tra, Việt khai tháng 8/2020, trước khi đến thăm ông Tạc, đã nhắn tin tham khảo cựu vụ phó Hùng (người giới thiệu Việt Á vào đề tài nghiên cứu kit test) và được trả lời "đi 50 triệu là ok rồi". Việt cầm 100 triệu đồng cho vào túi cùng khẩu trang và nước xịt tay, mang đến phòng làm việc của ông Tạc. Cuộc gặp không có ai chứng kiến và không có gì khác ngoài những thứ trên, lời khai của Việt thể hiện.
Tại bản cung hai tháng sau, Tổng giám đốc Việt Á thay đổi số tiền thành 50.000 USD, khai do kế toán và thủ quỹ đổi từ tiền đồng thành USD đưa "đi ngoại giao dần".
Lần thứ ba thay đổi bản khai, Việt nói "rút 5,1 tỷ đồng tại ngân hàng, tự đổi sang 200.000 USD".
Và cuối cùng, luật sư Nam dẫn lại lời khai 4 ngày trước của Việt tại phiên toà rằng "không nhớ" đã đưa ông Tạc bao nhiêu nên chấp nhận con số 50.000 USD.
Việt khai rút 5,1 tỷ đồng và đổi USD tại một tiệm vàng tại Đà Nẵng (quê Việt) cho vào valy xách tay, đi máy bay ra Hà Nội. Trả lời chính luật sư Nam chiều 5/1 về việc mang số tiền lớn này qua cửa kiểm tra an ninh ở sân bay, Việt khẳng định "cứ cầm qua bình thường thôi, không bị ai kiểm tra".
Nêu lại lời khai này, luật sư phân tích, cuối năm 2020, dịch bệnh căng thẳng, việc di chuyển bằng máy bay không đơn giản, an ninh lại rất chặt chẽ. "200.000 USD đựng trong valy cũng là điều cần đặt câu hỏi khi qua cửa an ninh", ông Nam nói.
Dẫn lại 4 "phiên bản lời khai" khác nhau của Việt, luật sư Nam thắc mắc "vậy lời khai nào mới là đúng?".
Việt không phải người duy nhất khai bất nhất. Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp cũng bị luật sư dẫn 4 bản cung mâu thuẫn về tổng số tiền hối lộ, loại tiền và cách thức chi.
Cụ thể, tại tòa, Hiệp khai chỉ đưa USD cho Việt đi "cảm ơn" quan chức. Song bản khai ngày 22/3/2022, bị cáo nói "không nhớ đã rút bao nhiêu tiền để đưa, do đưa nhiều lần, mỗi lần 2-5 tỷ đồng, một số lần bằng USD, nếu là USD mỗi lần 30-40 nghìn USD", tức đa số tiền đồng, chỉ "vài lần" dùng USD.
Vài tháng sau, Hiệp thay đổi lời khai thêm 3 lần, tiếp tục thay đổi về số tiền và thời điểm. "Bị cáo rút xuống chỉ còn một lần đưa bằng USD, khi thì khai tổng tiền đưa Việt đi "ngoại giao" là 10 tỷ, lúc 15 tỷ, cuối cùng lại nói không nhớ", luật sư Nam nêu.
Bên trong túi quà Hiệp chuẩn bị cho Việt đi ngoại giao, theo luật sư, cũng mâu thuẫn. Việt cùng một số cựu quan chức đều khai "trong túi màu xanh có khẩu trang, nước rửa tay, tiền mặt, không có nhân sâm", trong khi Hiệp khai có sâm.
Nêu các điểm không thống nhất trên, luật sư Nam cho rằng, giống như Việt, lời khai của Hiệp cũng không đáng tin, không thể coi là bằng chứng buộc tội.
Riêng lời khai của cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng, người được Việt tin tưởng hỏi ý kiến trước khi đi biếu quà ông Tạc, luật sư đánh giá "rất cần lưu ý". Theo bản cung ngày 12/1/2023 của ông Hùng: "11h58 ngày 27/8/2020, Việt nhắn tin cho tôi qua Viber: Hôm nào em ghé cảm ơn anh Tạc có tiện không anh, cho vui vẻ, cho người ta biết mình cũng biết ơn người ta phải không?".
Ông Hùng nhắn lại: "Cái này tùy em, dăm ba chục triệu thôi cũng được". Ông Hùng sau đó không được Việt kể có đi thăm ông Tạc hay không, có biếu tiền và mức bao nhiêu.
Ông Hùng tại tòa cũng xác nhận các lời khai trên. Dẫn lại điều Việt khai số tiền biếu "dựa trên sự tạo điều kiện của quan chức đó cho Việt Á", luật sư Nam đánh giá vai trò của ông Tạc với Việt Á "vô cùng mờ nhạt" đến mức ông Hùng bảo "dăm ba chục là đủ".
Về các dữ liệu điện tử, điện thoại liên lạc được VKS dùng để cáo buộc ông Tạc nhận 50.000 USD, luật sư Nam bào chữa rằng điều này "chỉ chứng minh được Việt có hẹn gặp ông Tạc đưa quà, không chứng minh được số tiền bao nhiêu, USD hay tiền đồng".
Theo luật sư, dữ liệu sao kê ngân hàng của Việt tuy thể hiện rút 5,1 tỷ đồng song cũng không chứng minh được Việt đã đổi sang USD hay không, đổi ở đâu, có cho vào valy, xách ra Hà Nội qua đường hàng không hay không. Hay Việt có dùng một phần biếu ông Tạc hay không khi mà 4 tháng sau hai người mới gặp nhau.
Việc thực nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra, chỉ thuật lại được quá trình, diễn biến, địa điểm đưa quà; còn bên trong túi có tiền, có bao nhiêu thì không thể chứng minh.
Từ tất cả phân tích này, luật sư Nam cho rằng "không đủ cơ sở" quy kết thân chủ đã nhận 50.000 USD. Nhắc lại lời ông Tạc "luôn nhận thức rõ nhận tiền là sai, không chối tội", luật sư nói thân chủ mong được quy kết đúng số tiền để giữ danh dự cho bản thân.
Khi bào chữa về cáo buộc ông Tạc buông lỏng quản lý khiến đề tài nghiên cứu kit test bị rơi vào tay Việt Á, luật sư Nguyễn Huy Thiệp dẫn lại lời khai thân chủ hôm ngày 5/1. Theo đó, ông Tạc khai, việc Việt Á được Bộ Khoa học Công nghệ chấp thuận cho tham gia đề tài nghiên cứu kit test, thể hiện qua hai văn bản chính thức, ban hành vào các ngày 2/2/2020 và 3/2/2020, đều do bộ trưởng ký. Tuy nhiên ở phần ghi "nơi nhận" không có tên ông.
Về cáo buộc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 (dù không có trong kế hoạch nghiên cứu) để tạo điều kiện cho Việt Á lấy kết quả xin cấp phép tạm thời, luật sư Thiệp nói ông Tạc được vụ phó Hùng tham mưu, do đó cái sai là "quá tin tưởng cấp dưới". Vì thế, theo luật sư, ở một góc độ nào đó, ông Tạc là "bị hại", ký quyết định khi không được cấp dưới báo cáo thông tin đầy đủ.
Luật sư cho rằng kết quả nghiệm thu giai đoạn 1 do ông Tạc ký, theo các quy định của Bộ Y tế, không phải văn bản buộc phải có trong hồ sơ xin cấp phép, "tức có cũng được, không có cũng được". Vì thế, việc thân chủ ký quyết định này không phải là yếu tố quyết định dẫn đến việc Việt Á được Bộ Y tế cấp phép trái quy định, ông Thiệp bào chữa.
Nhiều lần khẳng định "không phủ nhận sai phạm" song luật sư Thiệp mong HĐXX "định lượng" lại hậu quả từ sai phạm của thân chủ. "Đến nay chưa hề có văn bản nào đánh giá chất lượng kit test không đạt. Thực tế kit test đã được sử dụng hiệu quả để chống dịch nên không thể nói tiền Nhà nước bỏ ra để nghiên cứu đã mất trong vụ án... Cần đánh giá đúng Nhà nước có bị thiệt hại không và nếu có là bao nhiêu", luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Ngày mai, các luật sư còn lại tiếp tục bào chữa.
Mức án VKS đề nghị với 38 bị cáo
Phạm Dự - Thanh Lam