Phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm đồng minh từ ngày 27/11 bất ngờ mở đợt tấn công quy mô lớn ở tây bắc Syria, kiểm soát khoảng 60 thị trấn và ngôi làng từng do quân đội chính phủ Syria quản lý, cùng một căn cứ và một trung tâm nghiên cứu quân sự gần thành phố Aleppo.
Đến đêm 29/11, phiến quân đã tiến vào trung tâm Aleppo, thành phố hơn hai triệu dân ở tây bắc Syria, sau khi quân đội chính phủ phòng thủ ở đây được lệnh rút lui. Đây là lần đầu tiên các tay súng của HTS xuất hiện ở Aleppo kể từ khi quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tái kiểm soát thành phố này năm 2016.
HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga mở chiến dịch can thiệp vào nước này nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân nổi dậy.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng viện trợ lực lượng và vũ khí để giúp Tổng thống Assad duy trì quyền lực. Tehran duy trì hiện diện quân sự ở Syria không chỉ giúp Tổng thống Syria đảm bảo quyền lực, mà còn nhằm bảo vệ tầm ảnh hưởng chiến lược của Iran trong khu vực.
Một lực lượng đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Syria là dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon. Hezbollah đã triển khai nhiều đơn vị tới Syria hỗ trợ quân đội nước này chống lại các nhóm vũ trang chống chính phủ, cũng như nhóm Al-Nusra Front có liên kết với al-Qaeda. Syria còn là tuyến hậu cần quan trọng để Hezbollah tiếp nhận vũ khí từ Iran để củng cố năng lực tại Lebanon.
Với sự yểm trợ của không quân Nga, cố vấn Iran và lực lượng Hezbollah, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn các hoạt động quân sự đáng kể ở Syria.
Giới phân tích cho biết sau 8 năm "nằm im thở khẽ", phiến quân đang lợi dụng việc các lực lượng hậu thuẫn Tổng thống al-Assad suy yếu để trỗi dậy ở Syria.
"Phiến quân đã nhận thấy cơ hội mới khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon hứng chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến với Israel, trong khi Iran chịu nhiều áp lực và Nga đang bận rộn với chiến dịch ở Ukraine", Nanar Hawach, nhà phân tích cấp cao về Syria tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Bỉ, nói.
IRGC đã trở thành mục tiêu của quân đội Israel trong những năm qua, trong đó có cuộc tập kích khu vực sứ quán Iran tại Damacus hồi tháng 4, khiến một chỉ huy cấp cao thiệt mạng. Động thái đó đã khiến Iran lần đầu phát động cuộc không kích trực diện vào lãnh thổ Israel.
Trong năm qua, lực lượng Hezbollah cũng chuyển trọng tâm vào đối phó Israel và rút bớt quân từ Syria về Lebanon, trong bối cảnh Tổng thống Assad ngày càng xích lại gần các quốc gia Arab và ít tham gia hơn vào Trục Kháng chiến của Iran, theo Hawach.
Trục Kháng chiến ra đời vào những năm 1980, sau khi Iran rơi vào thế bị cô lập trong cuộc chiến với Iraq. Kể từ đó, Iran đã tài trợ và trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân ở Lebanon, Yemen, Iraq và Syria cũng như lực lượng Hamas ở Gaza.
Trong hơn một năm giao tranh, Israel đã gây tổn thất lớn cho Hezbollah ở Lebanon, hạ sát thủ lĩnh lâu năm Hassan Nasrallah và loại bỏ nhiều chỉ huy cấp cao của nhóm. Hồi tháng 9, Israel phát động cuộc tấn công toàn diện vào các mục tiêu Hezbollah trên khắp Lebanon, khiến nhóm này hứng chịu nhiều thiệt hại về nhân lực và khí tài.
"Xung đột leo thang với Israel đã khiến Hezbollah không thể tiếp tục duy trì lực lượng lớn ở Syria, khi họ phải rút bớt các tay súng về Lebanon để tham chiến", Hawach nói.
Trong khi đó, Nga, bên bảo trợ quan trọng của quân đội chính phủ Syria, cũng đang phải dồn nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Điều này khiến quân đội Nga khó có thể tập trung lực lượng yểm trợ Syria khi họ bị tấn công.
Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, cho hay nhiều tháng Israel không kích vào mục tiêu của Syria và Hezbollah trong khu vực, cùng với lệnh ngừng bắn với Hezbollah tuần này là những yếu tố tạo cơ hội cho quân nổi dậy ở Syria hành động.
"Các nhóm phiến quân nhận thấy sự thay đổi của tình hình và quyết định tung các đòn tấn công thăm dò", Hawach cho hay. "Họ bất ngờ trước thành công của đòn tấn công đó và đột kích mạnh hơn".
Quân đội Syria ngày 30/11 thông báo rút khỏi Aleppo nhằm tập hợp, tái tổ chức các đơn vị trước khi có lực lượng chi viện để mở cuộc phản công nhằm vào thành phố. Họ cũng thừa nhận hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng và bị thương trong các đợt giao tranh ở Aleppo và Idlib những ngày qua.
"Các tổ chức khủng bố vũ trang đã mở loạt mũi tấn công ở mặt trận Aleppo và Idlib, giao tranh dữ dội đang diễn ra trên khu vực rộng hơn 100 km. Những nhóm khủng bố đã tiến vào nhiều địa điểm ở Aleppo", thông cáo của quân đội Syria có đoạn.
Omer Ozkizilcik, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, nói dù Nga đã cố gắng kiềm chế cuộc tấn công bằng cách không kích mục tiêu của phiến quân ở Idlib và tây bắc Syria, nỗ lực của họ là chưa đủ.
Dù không quân Nga tuyên bố đã ném bom, phóng rocket vào phiến quân, họ vẫn không ngăn được HTS và đồng minh chiếm Aleppo, thành phố có vị trí chiến lược, nằm sát căn cứ Latakia mà Nga đang kiểm soát ở ven Địa Trung Hải.
"Nga không phải bên ngoài cuộc, nhưng chúng ta có thể thấy những hạn chế của quân đội Nga. Những gì lực lượng Nga làm trong những ngày qua cho thấy phần lớn năng lực không quân của Nga đã dồn cho mặt trận Ukraine", Ozkizilcik nói.
"Đây sẽ là dấu hiệu cảnh báo với Tổng thống Assad về việc dựa quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah, các bên đang bận tâm với những thách thức của riêng họ", Anton Mardasov, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông, cho hay.
Thùy Lâm (Theo CNN, ABC News, Middle East Eye)