Đám cháy trên những ngọn đồi tại khu Pacific Palisades ở Los Angeles, bang California ngay từ đầu đã là một "con quái vật", bao trùm diện tích bằng 150 sân bóng đá trong vòng nửa giờ và tiếp tục lan ra khu vực rộng hơn cả Manhattan 24 giờ sau đó. Phải 4 ngày sau, lính cứu hỏa mới có thể thiết lập được một vành đai ngăn nó cháy lan.
Trước khi đám cháy Palisades bùng phát sáng 7/1, Sở Cứu hỏa Los Angeles (LAFD) đã chủ động phòng ngừa. Dựa trên dự báo về gió Santa Ana khô và mạnh đến mức nguy hiểm trên khắp Nam California, LAFD đã tăng cường hơn 10 xe cứu hỏa ở những khu vực trọng yếu, cùng với 98 xe trực chiến trong các trạm.
Nhưng khi bùng lên, ngọn lửa nhanh chóng vượt quá khả năng xử lý của họ, đến mức LAFD đã phải thực hiện động thái hiếm hoi là triệu tập tất cả lính cứu hỏa đang nghỉ phép, đồng thời cầu cứu các đội cứu hỏa khác trên khắp Nam California.
Khi những cơn gió mạnh như bão ngăn cản việc chữa cháy bằng máy bay trong ngày 7/1 và sáng sớm 8/1, hàng trăm đội cứu hỏa chỉ còn cách phun nước trực tiếp từ mặt đất, giúp người dân thoát hiểm và cố gắng bảo vệ càng nhiều tài sản càng tốt. Nhưng họ vẫn không thể làm gì để ngăn chặn ngọn lửa.
Một số người dân Los Angeles sợ hãi và tức giận đã chỉ trích cách ứng phó của LAFD, sau khi có thông tin cho rằng nhiều xe chữa cháy đã cạn nước và họ thấy rất ít bóng dáng lính cứu hỏa trong khu vực.
Thị trưởng Karen Bass hôm 9/1 trả lời dư luận bằng cam kết sẽ đánh giá những gì đã xảy ra sau khi cuộc khủng hoảng cháy rừng kết thúc. Thống đốc California Gavin Newsom trong khi đó kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về tình trạng thiếu nước chữa cháy.
4 ngày hỏa hoạn kinh hoàng ở khu Pacific Palisades của Los Angeles và xung quanh vùng Altadena đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng nghìn công trình trên diện tích gần 14.000 ha bị phá hủy.
Các lãnh đạo thành phố, quan chức cứu hỏa và chuyên gia mô tả đây là một thảm họa mà dù có tăng cường bao nhiêu nhân lực hay vật tư cũng không thể đối phó.
Sự kết hợp giữa những cơn gió khô có vận tốc 90-160 km/h và một đợt hạn hán kéo dài trong thời điểm vốn dĩ là mùa mưa của California đã tạo ra điều kiện cháy rừng cực đoan đến mức không tưởng.
Trưởng phòng Cứu hỏa Los Angeles Kristin Crowley thậm chí gọi đây là "một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử thành phố".
Đối với một số quan chức cứu hỏa, tình hình quá bất thường đến nỗi họ nhanh chóng gạt bỏ mọi phỏng đoán, thay vào đó nhấn mạnh vào tính bất khả thi của việc dập tắt quá nhiều đám cháy trong điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Nó là minh chứng cho điều mà các nhà khoa học khí hậu gọi là "thảm họa kép", khi tác động của biến đổi khí hậu khuếch đại các yếu tố tự nhiên và nhân tạo bình thường để tạo ra cuộc khủng hoảng vượt quá sức chống chọi của con người.
Tại cuộc họp báo hôm 8/1 về vụ cháy rừng tại khu Eaton, chỉ huy Sở Cứu hỏa Pasadena Chad Augustin đã nhấn mạnh rằng không điều gì có thể ngăn vụ cháy rừng này trở thành thảm họa mang tính lịch sử như vậy.
"Tôi sẽ nói rõ: Chúng tôi có thể có nhiều nước hơn. Nhưng với những cơn gió giật như vậy, bao nhiêu nước cũng không đủ để ngăn được đám cháy đó", Augustin nói.
Khi gió mạnh như hôm 7/1 và 8/1, đạt tới 160 km/h trên đỉnh núi và trên 95 km/h dọc theo bờ biển, lính cứu hỏa gần như không thể áp dụng chiến thuật chữa cháy hiệu quả nào, giới chuyên gia đánh giá.
Chúng khiến việc thiết lập bất kỳ vành đai chữa lửa nào đều trở nên quá nguy hiểm và gần như bất khả thi. Gió mạnh thổi ngọn lửa cao tới 60 m và tạo ra những quả cầu than hồng rực có thể bay xa hai đến ba km, dễ dàng vượt qua bất cứ vành đai ngăn lửa nào.
"Bạn sẽ thấy một đám cháy lan ra khắp mọi nơi cùng lúc", Arnaud Trouvé, trưởng khoa Kỹ thuật Phòng cháy Chữa cháy tại Đại học Maryland, giải thích.
Joe Ten Eyck, điều phối viên chương trình chữa cháy rừng và đô thị của Hiệp hội Cứu hỏa Quốc tế, cho hay trong điều kiện gió mạnh, việc máy bay bay quá sát mặt đất để phun nước dập lửa cũng trở nên không an toàn. Theo ông, ngay cả khi máy bay phun được nước, những cơn gió mạnh như vậy cũng sẽ thổi nước bay xa khỏi điểm đích, khiến chúng trở nên vô ích.
Lực lượng cứu hỏa cho hay việc mất đi khả năng chữa cháy bằng đường không là một thách thức nghiêm trọng kéo dài từ đêm 7/1 đến sáng sớm 8/1. "Nếu không có máy bay, chúng tôi không thể ngăn chặn được đám cháy rừng như thế này trên mặt đất", phát ngôn viên LAFD Margaret Stewart cho hay.
Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích lực lượng cứu hỏa Los Angeles đã không chuẩn bị đầy đủ để chiến đấu với đám cháy vì ngân sách dành cho phòng cháy chữa cháy của thành phố bị cắt giảm. Các tài liệu ngân sách cho thấy sở cứu hỏa đã bị cắt giảm 17,6 triệu USD, đưa ngân sách năm 2024-2025 của họ về khoảng 820 triệu USD.
Thị trưởng Bass bác bỏ những lo ngại này, gọi đó là "hiểu nhầm". Bà nhấn mạnh việc cắt giảm ngân sách không gồm số tiền được phân bổ riêng cho lương và các chi phí khác của sở cứu hỏa, thêm rằng mọi khoản cắt giảm đều không ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với đám cháy.
Các đội cứu hỏa từ khắp nơi đã đổ về Los Angeles gần đây để giúp giải tỏa áp lực cho các đồng đội ở địa phương. Đến ngày 10/1, đã có hơn 200 xe cứu hỏa từ bên ngoài bang, ở cả những nơi xa xôi như Utah, Idaho và New Mexico, đã đến để hỗ trợ dập tắt các đám cháy đang hoành hành.
Nhưng Stewart, phát ngôn viên LAFD, cho biết họ không đưa ra yêu cầu hỗ trợ như vậy từ sớm, mặc dù dự báo thời tiết trước đó nhiều ngày đã cảnh báo rằng khả năng xảy ra hỏa hoạn cực đoan là rất cao.
Theo Nate Armstrong, giám đốc truyền thông của Sở Cứu hỏa California, điều này bắt nguồn từ công tác hậu cần liên quan đến việc đảm bảo các sở cứu hỏa khác cũng phải luôn sẵn sàng thực thi nhiệm vụ chữa cháy trong khu vực phụ trách của họ.
Armstrong lưu ý họ không thể huy động các sở cứu hỏa từ những nơi khác trên toàn bang, hoặc bên ngoài California, cho "một sự kiện chưa rõ ràng" đến khi nó trở thành trường hợp khẩn cấp thực sự.
Theo chuyên gia Trouvé từ Đại học Maryland, ngay cả khi có nhiều đội cứu hỏa hơn được triển khai trước thời điểm đám cháy bùng phát, khả năng làm chậm hoặc ngăn chặn những ngọn lửa lan nhanh như vậy vẫn có thể bị hạn chế đáng kể.
Dù công nghệ sử dụng máy bay không người lái (UAV) để dập lửa đang được phát triển, ông cho biết "với các công cụ chúng ta có hiện nay, tôi không nghĩ rằng việc điều động thêm lính cứu hỏa sẽ tạo ra nhiều khác biệt".
Thay vào đó, ông hy vọng lực lượng cứu hỏa có thể tận dụng thời điểm gió lặng để khống chế các đám cháy, khiến chúng trở nên ít nguy hiểm hơn, bởi gió Santa Ana chắc chắn sẽ mạnh trở lại từ ngày 12/1. "Điều quan trọng là phải làm được càng nhiều việc càng tốt trước thời điểm đó", điều phối viên Ten Eyck cho hay.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Reuters, AFP)