Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm 11/12 thông báo tiến hành chiến dịch "Mũi tên Bashan", tập kích hơn 320 mục tiêu ở Syria trong vòng 48 giờ sau khi liên minh quân nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu kiểm soát thủ đô Damascus của Syria và lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Các mục tiêu bị nhắm tới gồm căn cứ không quân, kho và cơ sở chế tạo vũ khí ở Damascus, Homs, Tartus, Latakia và Palmyra, cũng như tàu hải quân neo đậu tại quân cảng al-Bayda và Latakia, các địa điểm mà IDF cho là cơ sở sản xuất vũ khí hóa học.
IDF tuyên bố đã phá hủy 70-80% năng lực quân sự chiến lược của Syria, trong đó có nhiều tên lửa đạn đạo Scud, tên lửa hành trình, tên lửa diệt hạm, hệ thống phòng không, tiêm kích, radar, xe tăng và nhà chứa máy bay. 15 tàu hải quân Syria cũng bị đánh chìm hoặc phá hỏng.
IDF cho biết chiến dịch được tiến hành nhằm ngăn kho vũ khí chiến lược của quân đội Syria "rơi vào tay các phần tử khủng bố". Ngoại trưởng Israel Gideon Saar hôm 9/12 cũng đưa ra tuyên bố tương tự, khẳng định nước này muốn đảm bảo các nhóm vũ trang Syria không thể sử dụng khí tài do quân đội chính phủ bỏ lại để chống Israel.
"Đó là lý do chúng tôi tấn công các hệ thống chiến lược như vũ khí hóa học còn sót lại, tên lửa tầm xa và rocket", ông nói.
Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) năm 2016 cho biết chính quyền Assad đã phá hủy hết các kho vũ khí hóa học mà họ thừa nhận sở hữu. Tuy nhiên, thông tin chúng được sử dụng trong nội chiến Syria vẫn tiếp tục xuất hiện, cho thấy loại vũ khí này có thể còn hiện diện tại quốc gia Trung Đông.
Israel có quan hệ thù địch với chính quyền Tổng thống Assad. Thủ tướng Benjamin Nentayahu tuyên bố nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền này là do Israel đã "hành động quyết liệt để chống lại Hezbollah và Iran, các bên hậu thuẫn chính cho ông Assad".
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng Thủ tướng Netanyahu từ lâu đã coi Tổng thống Assad nắm quyền ở Syria là "lựa chọn ít tồi tệ nhất", do việc phe đối lập lật đổ ông Assad sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở Syria và đe dọa an ninh của chính Israel.
Mối lo ngại càng lớn hơn khi xét tới tiền thân của HTS là nhóm khủng bố al-Qaeda. Bản thân HTS vẫn bị nhiều nước coi là tổ chức khủng bố, dù đã từ bỏ nhiều tư tưởng cực đoan từ năm 2017. HTS cũng từng thể hiện thái độ thù địch với Israel và ủng hộ nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza.
"HTS hiện là lực lượng chủ đạo và kiểm soát Damascus, song cần phải nhớ rằng họ không phải nhóm vũ trang duy nhất ở Syria", đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho biết.
Hiện có nhiều phe phái khác nhau mà Israel coi là mối đe dọa tại Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tình hình rối ren ở Syria là thời điểm thích hợp nhất để quân đội Israel tung đòn phủ đầu mang tính hủy diệt. Nếu để các lực lượng Syria có thời gian thành lập và ổn định chính quyền mới, Israel sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn rất nhiều nếu muốn làm điều tương tự.
"Nếu các vũ khí đó rơi vào tay của lực lượng đối lập Syria, không thể biết họ sẽ làm gì với chúng", Aviv Oreg, nhà phân tích tại Trung tâm Meir Amit có trụ sở tại Israel, cho biết.
Yossi Mekelberg, chuyên gia về Trung Đông thuộc viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, cho rằng đòn tập kích với quy mô lớn như vậy không phải cách tốt nhất để xây dựng cầu nối với chính quyền mới ở Syria. "Chính phủ Israel đang hành động dựa trên kịch bản xấu nhất mà không xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan", ông nhận định.
Julian Ropcke, biên tập viên của tờ Bild của Đức, cũng có quan điểm tương tự. "Chiến dịch này có thể hợp lý nếu xét về góc độ an ninh ngắn hạn, nhưng chắc chắn không phải cách tốt nhất để bắt đầu quan hệ lâu dài với láng giềng mới và có thể là đồng minh đối phó Iran tiềm năng", Ropcke nói.
Ngoài tập kích quy mô lớn Syria, Israel hôm 8/12 cũng điều bộ binh tiến vào vùng đệm phi quân sự rộng 400 km2 ở phía đông Cao nguyên Golan, được thiết lập theo thỏa thuận ký kết năm 1974 và do Lực lượng Giám sát Thỏa thuận rút quân của Liên Hợp Quốc (UNDOF) phụ trách.
Ngoại trưởng Saar cho biết đây là "biện pháp có giới hạn và diễn ra trong thời gian ngắn, được thực hiện vì lý do an ninh". IDF cũng bác bỏ các thông tin cho rằng binh sĩ Israel đang tiến về hoặc áp sát Damascus, khẳng định lực lượng nước này chỉ đồn trú trong vùng đệm và tại các địa điểm phòng thủ gần biên giới.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Elijah Magnier tại Bỉ nói rằng Israel vẫn đang tiếp tục tiến quân và đã kiểm soát hơn 600 km2 lãnh thổ Syria, gần gấp đôi diện tích Dải Gaza. Theo ông, đây là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu nhằm theo đuổi tham vọng "Israel Lớn", trong đó Tel Aviv sẽ định hình lại khu vực bằng cách chiếm đóng những vùng đất rộng lớn tại các quốc gia láng giềng.
Chiến dịch tập kích với quy mô chưa từng có nhằm vào mục tiêu quân sự ở Syria là động thái nhằm bảo đảm không có lực lượng nào tại quốc gia này có thể chống lại sự xâm nhập của Israel.
"Họ không muốn thấy bất kỳ phản ứng nào từ Syria. Phần lớn kho vũ khí và tên lửa bị phá hủy sẽ khiến Syria không còn khả năng đáp trả nữa", Magnier cho hay.
Một lý do khác là Israel muốn nhân cơ hội này để tiếp tục làm suy yếu "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn. Theo truyền thông Mỹ, loạt vụ tập kích đã gây thiệt nặng cho cơ sở hạ tầng được Iran sử dụng để vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Thủ tướng Netanyahu từng cảnh báo chính quyền mới tại Syria không được tiếp tục cho phép Iran sử dụng lãnh thổ của nước này với mục đích quân sự.
Phạm Giang (Theo AFP, Newsweek, Times of Israel, Anadolu)