Farhan al-Khouli, binh sĩ 23 tuổi của quân đội Syria, được giao nhiệm vụ canh gác tại tiền đồn gần thành phố Idlib, tây bắc đất nước, gần khu vực phe đối lập kiểm soát. Tiểu đội của Khouli lẽ ra phải có 9 người, nhưng thực tế chỉ còn ba binh sĩ.
Số còn lại đã đút lót cho chỉ huy để không phải tới tiền đồn này phục vụ. Trong hai đồng đội cùng canh gác với Khouli, một người bị các chỉ huy coi là có tâm thần bất ổn, không nên được trang bị vũ khí.
Trước đây, nhiệm vụ của Khouli khá nhàn hạ, bởi nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát tỉnh Idlib gần như không có hoạt động quân sự nào đáng kể. Nhưng đến cuối tháng 11, HTS bắt đầu trỗi dậy và tấn công thăm dò vào các vị trí của quân đội chính phủ Syria.
Ngày 27/11, cấp trên gọi cho Khouli, thông báo một đoàn xe của lực lượng đối lập đang tiến về phía họ, ra lệnh đơn vị của binh sĩ này giữ vững vị trí và chiến đấu.
Nhưng Khouli, với mức lương thấp và vốn đã chán nản, không làm vậy. Anh chuyển điện thoại về chế độ máy bay, thay quần áo dân thường, bỏ lại vũ khí và rời chốt tháo chạy. Trong lúc đi bộ về phía nam, Khouli gặp nhiều binh sĩ giống mình.
"Khi thấy một người bỏ chạy, những người khác cũng sẽ bỏ vũ khí và làm theo", Khouli kể lại với Reuters.
Trường hợp của Khouli, hiện làm việc tại một trại ngựa ở Damascus, phần nào phản ánh lý do binh sĩ Syria không muốn chiến đấu vì chính phủ.
Khouli thực hiện nghĩa vụ quân sự ở tuổi 19, sau một năm trì hoãn nhờ hối lộ cho sĩ quan tuyển quân. Nhưng khi hết 18 tháng nghĩa vụ, Khouli được yêu cầu tiếp tục phục vụ vô thời hạn. Anh từng đào ngũ nhưng bị phát hiện, phải ngồi tù 52 ngày trước khi được điều ra tiền đồn gần Idlib.
Khouli nhận lương 500.000 bảng Syria (40 USD) một tháng, nhưng do khẩu phần ăn thường bị bớt xén, đôi khi anh phải dành toàn bộ thu nhập mua thêm thực phẩm.
Những người có tiền trong tiểu đội thường nộp 100 USD cho chỉ huy để được xuất ngũ. Đại đội của Khouli lẽ ra có 80 binh sĩ, nhưng biên chế thực tế chỉ có 60 người. Khouli nói anh còn bị cấp trên đối xử tệ bạc, bắt đào công sự bất kể thời tiết.
Một cựu thiếu tá quân đội Syria mô tả việc cưỡng ép lính nghĩa vụ là "sai lầm chết người" của lực lượng vũ trang nước này.
Cựu quân nhân hậu cần Zuhair, 28 tuổi, đã chứng kiến các sĩ quan tuồn máy phát điện cùng nhiên liệu của đơn vị ra bán bên ngoài. "Tất cả những gì họ quan tâm là lợi dụng chức vụ làm giàu cho bản thân", Zuhair nói.
Anh đã chiến đấu vì chính quyền tổng thống Bashar al-Assad suốt nhiều năm, trong khi họ hàng ở phe đối lập. Và khi phe đối lập tấn công, Zuhair ăn mừng. "Tôi không biết phải mô tả mình cảm thấy vui thế nào", anh kể.
Makhlouf Makhlouf, từng thuộc một lữ đoàn công binh, cho biết nếu ai đó phàn nàn về nạn tham nhũng, họ sẽ bị đưa ra tòa án binh. Và ông đã trải qua việc này không chỉ một lần. Ông đóng quân ở Hama nhưng đã đào ngũ trước khi thành phố lớn thứ tư Syria rơi vào tay phe đối lập ngày 5/12.
Tình trạng tham nhũng và sa sút tinh thần len lỏi trong hàng ngũ quân đội Syria. Ngày càng nhiều sĩ quan phẫn nộ khi những thắng lợi và hy sinh trong thời gian phục vụ quân đội không giúp họ được trả lương cao hơn hay được phân bổ nhiều nguồn lực hơn.
Trong khi đó, kinh tế Syria chao đảo vì lệnh trừng phạt từ Mỹ và viện trợ nước ngoài suy giảm, theo Aron Lund, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Century International chuyên về tình hình Trung Đông, trụ sở Mỹ. Lạm phát tăng vọt.
"Tình hình xấu đi với tất cả mọi người, ngoại trừ giới tài phiệt và tinh hoa thân cận với ông Assad", Lund nói.
Năm 2020, quân đội Syria có 130.000 quân nhân, theo báo cáo Cán cân Quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Báo cáo mô tả quân đội Syria đã suy yếu do nội chiến kéo dài và dần trở thành lực lượng như dân quân, có cơ cấu tổ chức không đồng đều.
Ông Assad năm 2021 ký sắc lệnh tăng lương quân đội lên gần gấp đôi để bắt kịp lạm phát hơn 100% trong năm trước đó, nhưng sức mua của đồng bảng Syria lúc này đã lao dốc.
Sự phẫn nộ tăng đáng kể trong năm qua, kéo theo "tâm lý bất bình với ông Assad ngày càng nhiều", ngay cả từ trong cộng đồng người thiểu số Alawite vốn ủng hộ ông, theo một sĩ quan tình báo cấp cao Syria.
Trong khi đó, quân đội Syria phải dựa vào sự hỗ trợ từ đồng minh như Nga, Iran cùng các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Iraq, Lebanon để đẩy lùi phe đối lập. Cấu trúc chỉ huy tác chiến của quân đội Syria cũng chủ yếu do cố vấn quân sự Iran và đồng minh phụ trách.
Nhiều cố vấn quân sự Iran đã rời Syria hồi đầu năm, sau khi Israel tăng cường không kích vào Damascus. Các lực lượng dân quân khác như Hezbollah cũng được rút về Lebanon trong tháng 10 để đối phó Israel. Tình trạng này khiến quân đội Syria không còn hoạt động hiệu quả, thiếu chiến lược phòng thủ, đặc biệt là cho Aleppo, thành phố lớn thứ hai đất nước.
Trong khi đó, phe đối lập ở tây bắc Syria, về lý thuyết có quân số thấp hơn nhiều so với quân đội Syria, tập hợp được lực lượng để chiến đấu chung, theo báo cáo từ viện chính sách International Crisis Group, trụ sở ở Bỉ.
Khi lực lượng đối lập mở chiến dịch tấn công Aleppo cuối tháng 11, các đơn vị quân đội Syria ở đây gần như không có sách lược tác chiến, phòng thủ rõ ràng. Họ nhận lệnh phải tự đề ra cách chiến đấu, hoặc rút về thành phố chiến lược Homs gần đó.
Các đơn vị chủ lực Syria bảo vệ Aleppo đã chọn cách thứ hai, vội vã "rút lui chiến thuật" khỏi thành phố. Ngày 29/11, hai ngày sau khi phe đối lập bắt đầu tấn công, Aleppo thất thủ.
Diễn biến tạo ra cú sốc lớn trong quân đội Syria, lực lượng trên thực tế lúc này chỉ còn là những đơn vị rời rạc, thiếu gắn kết. Nhiều đơn vị không còn ai, vì chỉ huy đã nhận hối lộ để binh sĩ xuất ngũ hoặc cho lính trở về nhà nhận lương.
Một quan chức Mỹ nói vài ngày trước khi chính phủ Syria sụp đổ, Washington đã nhận thông tin về tình trạng đào ngũ diện rộng và đổi phe của binh sĩ Syria. Một số còn tháo chạy sang Iraq.
Turki Al-Mahlawi, thị trưởng thị trấn biên giới Al-Qaim của Iraq, hôm 6/12 cho biết khoảng 2.000 binh sĩ Syria đã vượt qua biên giới vào lãnh thổ Iraq để xin tị nạn.
Tình trạng đào ngũ, tham nhũng tràn lan và lệ thuộc đáng kể vào hỗ trợ từ nước ngoài đã khiến quân đội Syria từ một lực lượng hùng mạnh dần mục ruỗng. Chỉ trong 11 ngày, lực lượng đối lập đã chiếm được Damascus, lật đổ chính phủ ông Assad, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm.
Các nhóm dân quân Iraq từng điều thêm lực lượng đến Syria trong tuần trước, nhưng họ nhận thấy các kênh liên lạc với cố vấn quân sự Iran đã bị cắt, một chỉ huy dân quân Iraq cho biết. Ngày 6/12, sau khi phe đối lập kiểm soát Hama, nhóm dân quân Iraq được yêu cầu rút về nước.
"Cuộc chiến vì Syria đã thất bại ngay từ ngày đầu", chỉ huy dân quân này nói.
Như Tâm (Theo Reuters, Yahoo News, AP)