Vợ chồng anh Trần Đình Nhân và chị Nguyễn Thị Vũ Hoài, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Sư phạm Hoa Trung, chia sẻ về sự hỗ trợ lẫn nhau của 24 lưu học sinh Việt Nam ở tâm dịch Vũ Hán.
Ngày 22/1 (tức 28 tháng chạp), một nhóm trên mạng xã hội Wechat được đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc lập ra để nắm tình hình tất cả lưu học sinh ở lại Vũ Hán. Cũng từ nhóm này, nhiều người từ không quen biết, chưa hề gặp mặt đã trở nên thân thiết như người nhà.
"Khắp thành phố Vũ Hán đang phun thuốc khử trùng, mọi người khóa kín cửa, bảo trọng sức khỏe nhé", "Mọi người nhớ ăn nhiều, tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe", "Tình hình tích trữ lương thực thế nào rồi mọi người ơi"..., những thông báo, những lời hỏi thăm như vậy luôn được các thành viên gửi lên trên nhóm chung, tiếp sau đó là những cuộc chuyện trò rôm rả.
Vũ Hán không có Tết, đêm giao thừa thật buồn bởi tin người chết do dịch bệnh tăng nhanh chóng. Bữa cơm tất niên của lưu học sinh cũng bình thường như bao ngày khác. Để xoa dịu không khí, bạn Minh Đạo (Học viện Thể thao Vũ Hán) gửi tặng cả nhóm bài thơ tự sáng tác, bạn Ngọc Nuôi, Vũ Hoài, Phương Lâm gửi lên nhóm hình ảnh vài món Việt tự làm.
Sau đêm 30 Tết, mọi người không để ý hôm nay là mùng mấy Tết nữa, ai cũng quan tâm đến số ca tử vong và nhiễm bệnh đang ngày càng tăng, đến chỉ số thân nhiệt mỗi ngày và cầu trời đừng ai bị sốt.
Khi tinh thần đi xuống, mọi người cùng nhau chia sẻ câu chuyện hài, đố vui có thưởng để lấy lại sự lạc quan, động viên nhau giữ vững tâm lý đợi ngày được sơ tán. Anh Nguyễn Diên Tuấn, người nhà của lưu học sinh Nguyễn Diên Tiến (Đại học Sư phạm Hoa Trung) còn chuẩn bị quần áo bảo hộ cho lưu học sinh trong trường hợp được sơ tán.
Khi lương thực tích trữ dần cạn kiệt, các bạn chia sẻ xem hình ảnh bữa cơm đạm bạc nhà mình. Từ Phát Cường (Đại học Sư phạm Hoa Trung) cười chia sẻ "Mọi người vậy là ăn toàn đồ ngon rồi đó, em gặm mì tôm liên tục mấy hôm nay".
Cứ thế, mọi người an ủi nhau, hết nước tích trữ thì nấu nước máy để uống, hết gạo thì ăn miến sợi, bột mì, mì gói. Một người buồn, những người khác kể chuyện hài, làm thơ, đàn tấu vài khúc nhạc đưa lên nhóm chung. Mọi người còn hẹn nhau, nếu được sơ tán trở về sẽ làm một bữa tiệc thật lớn, tháo khẩu trang để nhìn rõ mặt nhau và để ăn mừng tai qua nạn khỏi.
Các lưu học sinh Việt Nam ở Vũ Hán phần nào yên tâm khi Đại sứ quán luôn đồng hành. Hàng ngày, từ 8h sáng đến trước 12h trưa, Đại sứ quán lại vào nhóm chung để nắm tình hình sức khỏe của lưu học sinh.
Những số liệu như thân nhiệt, diễn biến tinh thần, lương thực và các biến động mới tại trường, nơi cư trú được anh Hoàng Mai Diễn thu thập, sau đó tổng hợp và báo cáo lên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. Đại sứ sẽ căn cứ diễn biến cụ thể để có những chỉ đạo phù hợp nhất.
Kênh liên lạc được kết nối gần như 24/24h. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, nhiều lần đến hơn 2h sáng, Đại sứ quán vẫn còn cập nhật lên nhóm Wechat của lưu học sinh chỉ đạo mới nhất.
Trong số lưu học sinh ở lại Vũ Hán, vợ chồng lưu học sinh Nguyễn Văn Phi và Nguyễn Thị Thanh (27 tuổi, Đại học Vũ Hán) đáng thương nhất. Chị Thanh hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ, đầu học kỳ sau chương trình học lại khá nặng nên anh chị quyết định ở lại đón Tết tại trường. Ngờ đâu bệnh dịch bùng phát dữ dội và ngày càng diễn biến xấu, anh Phi vô cùng hoang mang.
"Tôi rất lo. Vợ thì sắp sinh, bệnh viện ở Vũ Hán đều đang trong tình trạng quá tải, toàn người đi khám viêm phổi. Người bình thường nguy cơ lây nhiễm còn cao, huống hồ sản phụ mới sinh. Nếu buộc phải sinh cháu ở đây, tôi không biết chuyện gì có thể xảy ra nữa".
Hôm 31/1, anh Phi chia sẻ đại sứ vừa gọi điện, động viên anh bình tĩnh. Đại sứ quán sẽ làm hết khả năng có thể để đưa lưu học sinh còn kẹt lại Vũ Hán về Việt Nam. "Tôi xúc động, bật khóc trong điện thoại, chẳng nói được gì", anh Phi kể.
Các lưu học sinh khác cũng được Đại sứ quán gọi điện hỏi thăm. Từ trong khó khăn, tình đồng bào, tình thân giữa những người con đất Việt vẫn ấm áp.
Nhân Trần - Hoài Vũ
(Từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc)