Đây là vấn đề được luật sư Phạm Thanh Bình, đại diện cho ba người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nêu chiều 9/1. Tại đại án này, Việt Á được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ kiên quan.
Trong bản luận tội công bố sáng 8/1, VKS yêu cầu công ty phải liên đới cùng Tổng giám đốc Phan Quốc Việt và đồng phạm trả lại hơn 1.235 tỷ đồng. Đây là số tiền Việt Á thu lợi qua việc bán kit test và cũng được xác định thiệt hại của toàn bộ vụ án. Về con số này, luật sư Bình cho rằng "cần xem xét lại".
Ông Bình phân tích số tiền trên có được từ hai nguồn: 402 tỷ đồng bán kit test cho 19 tỉnh, thành phố thông qua đấu thầu sai phạm, cũng là phần mà Phan Quốc Việt và các cựu cán bộ tại 19 tỉnh thành phải liên đới bồi thường, như VKS đã nêu.
Song phần còn lại, 833 tỷ đồng, Việt Á thu từ bán kit test cho 193 đơn vị, cá nhân không thuộc 19 tỉnh, thành liên quan vụ án. Do vậy, theo luật sư Bình, 833 tỷ đồng này "không phải là hậu quả từ sai phạm" của Việt và các đồng phạm gây ra.
Trong 193 đơn vị này có cơ quan doanh nghiệp ngoài nhà nước, các cá nhân, hội nhóm... tức không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2014. Việc mua bán với 193 đơn vị này không bị truy cứu trong vụ án; cũng không qua đấu thầu mà chỉ thực hiện bằng hợp đồng dân sự. Do đó, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng pháp luật tố tụng dân sự, theo quan điểm của luật sư Bình.
"VKS gộp 833 tỷ đồng này vào hậu quả thiệt hại nhưng cáo trạng lại không xác định 833 tỷ đồng là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu cụ thể của những ai gây ra, ở đơn vị nào, ở gói thầu nào hoặc hợp đồng nào" luật sư nêu.
Trước đó, hai luật sư của Phan Quốc Việt cũng lập luận tương tự và mong tòa đánh giá lại hậu quả này, vì vừa "không có căn cứ pháp luật" vừa làm tăng trách nhiệm hình sự cho Phan Quốc Việt. Hai nhóm luật sư cùng kiến nghị tòa chỉ xét tổng thiệt hại vụ án mà Công ty Việt Á cùng các bị cáo liên đới bồi thường là 402 tỷ đồng.
Nội dung thứ hai, luật sư dẫn các tài liệu điều tra về công nợ của các cơ quan, đơn vị mua test của Việt Á. Các khách hàng này, theo luật sư, thuộc 2 nhóm: đối tượng đấu thầu (mua test bằng ngân sách Nhà nước) và không thuộc đối tượng đấu thầu (mua test bằng nguồn vốn tự có, không phải từ ngân sách Nhà nước).
Luật sư thống kê trong hai nhóm khách có 79 cơ quan, đơn vị còn nợ công ty Việt Á với tổng số 788 tỷ đồng. Trong đó, 55 khách hàng thuộc nhóm 1, áp dụng đơn giá đã được VKS xác định là 143.000 đồng/test. 24 khách hàng nhóm 2, áp dụng đơn giá đã được ghi trong hợp đồng mua bán ký với Công ty Việt Á.
Danh sách 79 "khách hàng" còn nợ tiền này đã được Công ty Việt Á gửi tới tòa từ 20/12/2023. Song các khách hàng này không được đưa vào vụ án với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan là chưa hợp lý, luật sư nói.
Các luật sư của Việt Á dẫn chứng, cáo trạng và nội dung luận tội của VKS đều không đề cập vấn đề này, cũng không kiến nghị dành cho Việt Á quyền khởi kiện vụ án dân sự (để đòi nợ) với 79 đơn vị. Cho rằng điều này "rất thiệt thòi" cho công ty, luật sư kiến nghị tòa tuyên 79 "khách hàng" còn nợ tiền phải trả Việt Á 788 tỷ đồng.
Dù Tổng giám đốc Phan Quốc Việt điều hành và thành lập 15 công ty, 9 trong số này được cơ quan công tố xác định không liên quan sai phạm song vẫn bị phong tỏa tài khoản ngân hàng. Luật sư do đó kiến nghị tòa giải tỏa biện pháp ngăn chặn với các tài khoản ngân hàng không liên quan sai phạm.
Với sai phạm của Tổng giám đốc Phan Quốc Việt, ngoài các luận điểm thống nhất như trên, luật sư Đỗ Đức Biên và Đặng Ngọc Thanh phân tích, trong bối cảnh dịch, các địa phương đều chủ động có văn bản đề nghị Việt Á ứng trước kit test, vật tư. Thân chủ và công ty đã đáp ứng đầy đủ để phòng chống dịch hiệu quả, có công lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn quốc.
Về giá của test, khi thương thảo giá, Việt và công ty đã lấy giá từ đề tài nghiên cứu, đã qua hiệp thương với Bộ Y tế, là 470.000 đồng/kit test. Còn khi sản xuất thương phẩm, bị cáo và công ty chưa thể xác định được đơn giá chuẩn, do khi đó việc nhập nguyên vật liệu rất khó khăn, "giá cả thất thường không thể tính toán được", luật sư nêu và cho rằng Việt "không hề và không thể" tính toán được giá trước khi sản xuất nên không thể nâng khống giá khi tham gia đấu thầu. "Vì thế, quy kết của VKS là không đúng thực tế", luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Riêng với tội Đưa hối lộ, nhóm luật sư phân tích, toàn bộ tài liệu, lời khai của Việt và những người đã nhận đều phản ánh một điều: Đôi bên đều không hứa hẹn trước. Người nhận không đòi hỏi Việt đưa tiền mới giải quyết công việc, đơn thuần động cơ là "trích lợi nhuận để cảm ơn".
Dù thân chủ nhận tội song luật sư mong tòa xem xét "công và tội" để tuyên mức án đủ răn đe mà vẫn nhân văn.
Phan Quốc Việt bị VKS đề nghị 30 năm tù, hôm 8/1, cao nhất trong 38 bị cáo. Trước đó, Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên 25 năm tù trong vụ án liên quan 4 cựu sĩ quan quân y.
Khai báo trước tòa, bị cáo nhiều lần khẳng định "công" của mình trong chống dịch, như kịp thời nghiên cứu để Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới có kit test chống dịch. Giữa lúc căng thẳng nhất, Việt Á đã "hỗ trợ cả nước về thiết bị và cử nhân lực đến tận nơi để tăng năng suất lên hàng trăm nghìn lần". Việt Á đưa việc gộp mẫu vào vận hành để giảm chi phí và góp phần tăng tốc xét nghiệm, sớm dập dịch....
>>Mức án đề nghị với Phan Quốc Việt và 37 bị cáo
Phạm Dự - Thanh Lam