Chiều 8/1, luật sư Trần Nam Long nêu ba luận điểm bào chữa cho cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, người bị VKSND Hà Nội đề nghị 19-20 năm tù vì Nhận hối lộ 51 tỷ đồng của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á. Hình phạt đề nghị với ông Long hiện "nặng" thứ hai trong 38 bị cáo, sau Phan Quốc Việt.
Theo luật sư, sai phạm của cựu bộ trưởng Long diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đặc thù, đòi hỏi cách xử lý chưa từng có tiền lệ. Việc cấp phép tạm thời cho kit test Việt Á diễn ra ngày 4/3/2020, khi ông Long mới làm thứ trưởng y tế được một tuần.
Luật sư cho rằng trước đó không được phân công nhiệm vụ liên quan cấp phép nên ông Long "không tiếp cận hồ sơ, không nắm được quy trình". Ông vì thế chỉ tiếp cận "sự kiện cấp phép tạm thời" dưới nhiệm vụ được phân công, tức là truyền thông.
Trong quá trình cấp phép chính thức, Việt Á không phải đơn vị duy nhất được công nhận, "thậm chí còn chậm hơn công ty khác 3 tháng", luật sư nêu dẫn chứng để diễn đạt ông Long "không có ưu ái đặc biệt gì" với Việt Á.
Về vấn đề hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương, theo phân công nội bộ Bộ Y tế, việc này được giao Thứ trưởng Trương Quốc Cường phụ trách. Ông Long ký Quyết định thành lập tổ công tác hiệp thương giá.
Khi bị cáo Nam Liên (cựu vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) gửi tin nhắn về việc xác định giá hiệp thương 470.000 đồng/kit test (cao hơn quy định 3 lần), ông Long cho rằng đây là việc báo tin đơn thuần nên nhắn tin trả lời "Ok" với hàm ý đã nhận thông tin, chứ không có ý chấp thuận mức giá đó, luật sư nêu quan điểm bào chữa.
"Nội dung tin nhắn không thể hiện mục đích xin ý kiến. Việc này thân chủ tôi phụ trách và không được tiếp cận hồ sơ thì làm sao có thể đồng ý hay không đồng ý với kết quả hiệp thương giá?", luật sư nói.
Ngừng vài giây, luật sư Nam Long nói tiếp: "Thử đặt mình vào vị trí một người cấp dưới khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, liệu có ai trong chúng ta dám nhắn tin nhắn không đầu, không đuôi như vậy với mục đích là xin ý kiến hay không?".
Ông Thanh Long bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, với 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng). Trước quy kết này, luật sư của ông Long xin tòa đánh giá lại do nhận thấy việc thân chủ đòi hỏi Việt Á đưa tiền là "chưa rõ ràng"
Về thời điểm nhận tiền, theo luật sư, lần đầu vào tháng 12/2020, lần cuối là tháng 11/2021, tức 20 tháng sau khi Việt Á được cấp phép tạm thời và hiệp thương giá test.
Luật sư cho rằng với diễn biến thời gian như vậy thì cáo buộc ông Long "gợi ý, đề nghị" nhận tiền để tác động giúp Việt Á là "rất đáng băn khoăn", bởi không ai "gợi ý, đề nghị nhận tiền" sau khi việc hoàn thành "cả hơn năm trời như vậy".
Nêu thông tin kit test của Việt Á được cấp phép chính thức chậm 2 tháng, bị thanh toán muộn hơn 3 tháng tới mức phải gửi văn bản kêu cứu Thủ tướng vào ngày 18/5/2020, luật sư bào chữa rằng "sự tác động giúp đỡ" của ông Thanh Long với Việt Á là "chưa thực sự rõ nét".
Luật sư khẳng định cựu bộ trưởng đã thực hiện nhiệm vụ một cách "không vụ lợi". Việc Phan Quốc Việt đưa tiền là sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh có lợi nhuận.
Luật sư Nam Long là một trong bốn luật sư bào chữa cho cựu bộ trưởng Long tại phiên tòa.
>>Mức án đề nghị với ông Long và 37 bị cáo
Hơn 140 đồng nghiệp, giáo sư viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Long
Nêu lại bối cảnh đặc biệt của vụ án, 4 luật sư của ông Thanh Long dẫn chứng, cuối năm 2020, trong đợt Covid lần thứ 4 hết sức khốc liệt, thân chủ đã dành toàn tâm toàn ý chống dịch đến mức "không có thời gian để tham gia buổi trao Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng".
Theo luật sư, ông Long nhiều đêm mất ngủ, suy kiệt, sang chấn tâm lý vì chống dịch, làm việc đến lao lực. Hiện mắt trái hầu như mất hẳn thị lực do bệnh bong đáy võng mạc không được chữa trị kịp thời. Với đóng góp của cựu bộ trưởng Long, các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, phủ vaccine toàn dân với tỷ lệ cao top đầu thế giới.
Ông Long được Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt và hơn 140 đồng nghiệp thân thiết, trong đó có hơn 40 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành. Nhiều học trò được ông Long giảng dạy, hướng dẫn suốt 30 năm qua cũng có nguyện vọng tương tự.
Trong 3 ngày tòa xét hỏi vừa qua, cựu bộ trưởng Long nhận sai nhưng nhiều lần khẳng định "chưa từng gợi ý" Việt hay bất cứ cá nhân nào của Việt Á đưa tiền. Ông khai dặn thư ký không nhận lợi ích gì từ doanh nghiệp, nhưng "có thể đã nói gì đó, khiến thư ký hiểu sai".
Trong khi đó bị cáo Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long, khai cựu bộ trưởng nhắn bảo Việt đưa tiền hỗ trợ để "lo công việc". Công việc gì ông Huỳnh không biết nhưng mỗi lần đưa "sếp" một triệu USD.
Tại phiên tòa, Việt từ chối khai kỹ về mối quan hệ với hai người này vì "nhạy cảm", tuy nhiên cũng thừa nhận nhiều lần nhờ vả ông Long qua thư ký Huỳnh, do được dặn "phải giữ tiếng" cho ông Long. Việt nhiều lần chuẩn bị tiền USD đưa cho Huỳnh vì Huỳnh nói "sếp đang có việc cần hỗ trợ".
Sai phạm của ông Long bị đánh giá mở đầu cho chuỗi sai phạm của một loạt cựu quan chức trong bộ Y tế, giúp Việt Á xuyên suốt các giai đoạn từ cấp phép tạm thời, cấp phép chính thức, hiệp giá và bán kiếm lời tại CDC 21 tỉnh thành.
Nêu quan điểm luận tội sáng nay, VKS cho rằng sai phạm của ông Long "gây nhức nhối trong dư luận, kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác". Trong khi ngân sách nhà nước đang phải gồng mình để bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ông Long lại gợi ý, đề nghị Việt chi số tiền đặc biệt lớn cho mình.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Phạm Dự - Thanh Lam