Israel có một số lựa chọn nếu các lãnh đạo của họ muốn tiến hành đòn trả đũa nhằm vào Iran sau cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn do Tehran phát động hôm 1/10. Trong khi nhiều nước thúc giục hai bên kiềm chế, một cuộc tấn công đáp trả từ Israel dường như là điều khó tránh khỏi, khi các quan chức chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên tục tuyên bố sẽ khiến Tehran phải "trả giá".
Những lựa chọn mà Israel xem xét có thể bao gồm tấn công vào mục tiêu quân sự, kinh tế hoặc thậm chí là cơ sở hạt nhân Iran, theo Fabian Hinz, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Tuy nhiên, ông cảnh báo bất cứ phương án tấn công nào của Irael cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường.
Tấn công mục tiêu quân sự
Phản ứng trực tiếp nhất là Israel sẽ tìm cách tấn công các căn cứ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran nằm dưới lòng đất hoặc được xây dựng kiên cố trong núi đá, Hinz cho hay.
Iran có hệ thống phòng không tương đối yếu và khả năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ngăn chặn tên lửa hay hoạt động ném bom của không quân Israel.
Tuy nhiên, các căn cứ này thường được thiết kế đặc biệt để chống lại sức công phá của những loại tên lửa, bom thông thường và việc tấn công chúng khó có khả năng ngăn chặn các đòn đáp trả từ Iran trong tương lai.
Lựa chọn thay thế có thể là tấn công các căn cứ phòng không Iran, như những gì Israel đã làm trong cuộc đối đầu hồi tháng 4. Khi đó, Iran đã phóng khoảng 300 tên lửa hành trình vào Israel, và Tel Aviv đã đáp trả bằng cách phóng máy bay không người lái (UAV) vào vị trí gần thành phố Isfahan.
Đòn trả đũa lần này có thể có quy mô lớn hơn, bao trùm các mục tiêu ở Tehran, thành phố Isfahan và các cảng trên vịnh Ba Tư.
Hoặc Israel cũng có thể tung ra đòn đáp trả phức tạp hơn, gây áp lực lên các cơ sở sản xuất công nghiệp quân sự Iran, giống vụ tấn công bằng UAV vào nhà máy vũ khí ở Isfahan hồi tháng một năm ngoái.
Tuy nhiên, tất cả các cuộc tấn công như vậy đều tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm và gây ra thương vong không thể lường trước, giới chuyên gia cảnh báo.
Tập kích hạ tầng dầu khí
Nếu Tel Aviv quyết định đáp trả Tehran, một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu khí dường như là phương án dễ xảy ra nhất, với việc Tổng thống Biden hôm 3/10 tiết lộ rằng vấn đề này đang được hai bên thảo luận.
Mục tiêu nổi bật nhất là kho dầu Kharg, nơi xử lý khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran. Phần lớn trong số này được chuyển đến Trung Quốc.
Cơ sở quan trọng khác là nhà máy lọc dầu Abadan, gần biên giới với Iraq, nơi xử lý phần đáng kể nhu cầu dầu trong nước của Iran.
"Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran rất dễ bị tổn thương", Hinz nói, thêm rằng việc tấn công các mục tiêu kinh tế sẽ tạo ra tác động lâu dài hơn.
"Nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn và họ lâu nay vẫn muốn được nới lỏng lệnh trừng phạt", ông cho hay, lưu ý rằng cuộc tập kích của Israel nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen hồi cuối tháng trước cũng tập trung và các cơ sở lưu trữ, sản xuất nhiên liệu, điện, cảng biển tại thành phố Ras Issa và Hodeidah.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tấn công vào trụ cột kinh tế có được nhìn nhận như một phản ứng tương xứng trước đòn tập kích tên lửa của Iran hay không?
Iran cho biết họ đã chọn các mục tiêu quân sự khi lên kế hoạch tập kích và tên lửa của họ thực tế cũng nhắm vào các căn cứ không quân Israel, gây ra thiệt hại nhẹ cho sân bay quân sự tại Nevatim và trụ sở cơ quan tình báo Mossad. Nhưng một trường học ở phía đông thành phố Ashkelon cũng đã bị trúng tên lửa.
Mặt khác, theo giới phân tích, phương án tập kích các cơ sở dầu khí và gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Iran nhiều khả năng sẽ dẫn đến hành động trả đũa của Tehran hơn, so với việc Israel chỉ thực hiện cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự.
Thiếu tướng Mohammad Bagheri, tham mưu trưởng quân đội Iran, tuyên bố nếu bị tấn công, Tehran sẽ đáp trả bằng loạt tên lửa lớn hơn và với quy mô mở rộng hơn.
Đòn tập kích hôm 1/10 "sẽ được lặp lại với cường độ mạnh mẽ hơn và tất cả cơ sở hạ tầng Israel sẽ bị nhắm mục tiêu", ông cảnh báo.
Ám sát
Israel cũng có thể thực hiện một chiến thuật đáp trả khác là tăng cường thực hiện các kế hoạch ám sát mục tiêu tại Iran. Họ được cho là đã chứng minh được khả năng này sau cuộc ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi cuối tháng 7.
Một số nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran cũng được cho là đã bị Israel hạ sát, trong đó có chuẩn tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học bị sát hại vào tháng 11/2020 bằng súng máy điều khiển từ xa.
Tuy nhiên, Israel đến nay dường như chưa cân nhắc đến những phản ứng kiểu bí mật như vậy để đáp trả đòn tấn công tên lửa công khai từ Iran.
Không kích cơ sở hạt nhân
Phương án trả đũa gây lo ngại nhất của Israel là phóng tên lửa, ném bom vào các cơ sở hạt nhân trên khắp lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, đây cũng là kịch bản khó xảy ra nhất, bởi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ không ủng hộ phương án này.
Các chuyên gia quân sự tin rằng Israel không thể thực hiện một cuộc tấn công phá hoại nhằm vào mạng lưới cơ sở hạt nhân của Iran nếu không có hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ. Natanz và Fordow, những địa điểm chính mà Iran đang làm giàu uranium lên đến độ tinh khiết 60%, đều được xây ngầm, kiên cố dưới hàng chục mét đá và bê tông.
Một nghiên cứu do hai tác giả Darya Dolzikova và Matthew Savill thực hiện, được đăng hồi tháng 4 trên Tạp chí các Nhà khoa học Nguyên tử, đánh giá vũ khí thông thường duy nhất có thể phá hoại những cơ sở ngầm này là bom xuyên GBU-57A/B của Mỹ.
Bom xuyên GBU-57A/B có trọng lượng hơn 12 tấn và dài 6 m, nên chỉ có thể được mang bởi các máy bay ném bom lớn như B-2 Spirit của Mỹ. Israel không có khí tài có đủ năng lực để thực hiện đòn tấn công tương tự nếu không có sự đồng ý từ Nhà Trắng.
Israel có thể nhắm đến các địa điểm nhỏ hơn, như những cơ sở sản xuất máy ly tâm được sử dụng trong quá trình làm giàu hay các địa điểm tương tự khác, nhằm làm chậm chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ rằng một cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân sẽ thúc đẩy Tehran đẩy nhanh nỗ lực sở hữu bom nguyên tử.
"Tehran có thể coi việc vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình là lựa chọn duy nhất còn lại giúp đảm bảo an ninh cho chính mình", Dolzikova và Savill kết luận trong nghiên cứu.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)