Tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York, giám đốc y tế của khu chăm sóc đặc biệt từng phải lựa chọn xem bệnh nhân nào được hỗ trợ bởi máy thở và các thiết bị duy trì sự sống. Khi cơn bão Sandy năm 2012 quét qua bệnh viện, các máy phát điện hầu như có nguy cơ hỏng. Bác sĩ Laura Evans khi đó sẽ chỉ còn 6 ổ cắm cho 50 bệnh nhân.
Bệnh viện yêu cầu Evans quyết định ai sẽ được duy trì máy. "Laura", một quan chức bệnh viện nói. "Ta cần một danh sách". Sau khi họp với các y bác sĩ khác, Evans đưa ra mấy cái tên may mắn.
Các bác sĩ ở nhiều nơi ở Mỹ có thể sẽ lâm vào cảnh phải ra những quyết định kinh hoàng như thế, khi thiết bị có hạn mà bệnh nhân quá đông. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo về sự bùng nổ số lượng bệnh nhân nặng, kết hợp với tình trạng thiếu thiết bị, vật tư, nhân viên và giường bệnh nghiêm trọng khi dịch Covid-19 lên cao. Điểm nóng bao gồm các bang như New York, California và Washington.
Bác sĩ đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát, mở rộng năng lực y tế để hạn chế việc lựa chọn bệnh nhân. Song nếu tình thế ép buộc, câu hỏi được đặt ra là họ sẽ đưa ra quyết định theo tiêu chí gì, giảm thiểu số người chết ra sao, ai là người có quyền lựa chọn và hợp thức hoá điều này với công chúng thế nào?
Các bệnh viện đang xem xét dựa trên những diễn biến ban đầu ở Trung Quốc, nơi có nhiều bệnh nhân bị từ chối cho nhập viện. Tình trạng tương tự diễn ra ở Italy. Các bác sĩ bị quá tải và phải từ chối điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao để dành máy thở cho bệnh nhân khoẻ mạnh, nhiều khả năng sống sót hơn.
"Việc lựa chọn đi ngược lại những gì chúng ta từng nghĩ về nghề nghiệp của mình, trái với hành vi cần có của bác sĩ đối với bệnh nhân", tiến sĩ Marco Metra, trưởng khoa tim mạch tại một bệnh viện ở Italy cho biết.
Ở Mỹ, có một số hướng dẫn đã tồn tại trước đây liên quan đến nhiệm vụ "nghiệt ngã" này. Chương trình hỗ trợ liên bang đối với các bệnh viện, bang và Cơ quan Quản lý Y tế Cựu chiến binh từng phát triển kế hoạch cơ bản ứng phó với đại dịch nghiêm trọng. Dù được ít người biết đến và có vài điểm lỗi thời, bộ hướng dẫn dẫn đang được xem xét dùng lại trong đợt đại dịch lần này.
Song hiện chưa có nhiều nghiên cứu để đánh giá liệu các chiến lược này có thể cứu chữa thêm các bệnh nhân hoặc duy trì sự sống cho họ lâu hơn so với việc lựa chọn ngẫu nhiên hay không.
"Cần phải xác định mục tiêu một cách rõ ràng. Có thể bạn cứu được nhiều người hơn nhưng cuối cùng tạo ra một xã hội tranh đấu vì chính điều này. Một số công dân sẽ cho rằng mạng sống của họ là không xứng đáng", Christina Pagel, một chuyên gia người Anh từng nghiên cứu về vấn đề tương tự trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 nhận định.
Nhiều công dân lo ngại việc lựa chọn bệnh nhân dựa trên tỷ lệ sống sót có thể là một hình thức phân biệt đối xử. Những người Mỹ gốc Phi nhập cư vốn đã không nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tương đương với người bản địa từ trước đó.
Ngay trước khi Covid-19 bùng phát, bác sĩ Laura Evans đã chỉ đạo hoạt động cho các phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Y tế Đại học Washington, Seattle. Thành phố là khu vực đầu tiên của Mỹ ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh viện đang làm hết sức mình để tránh phải lựa chọn bệnh nhân. Bác sĩ Evans gọi đây là "nghĩa vụ đạo đức". Giống như các tổ chức khác, họ cố gắng đảm bảo nguồn cung, đào tạo nhân viên y tế cho các vai trò nằm ngoài công việc thường ngày, hoãn một số ca phẫu thuật tự chọn để tạo thêm không gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Một số thành phố trên cả nước đang chạy đua để xây dựng các bệnh viện mới.
Chuyên gia đề xuất một số hướng giải quyết tình trạng khan hiếm máy thở như nhường cho người đến trước. Song một số người cho rằng điều này gây bất lợi cho các bệnh nhân sống xa bệnh viện và lựa chọn ngẫu nhiên vẫn công bằng hơn.
Thục Linh (Theo NY Times)