Trở về VnExpress Số hóa

Dấu ấn Ngày hội Game Việt Nam 2023

Nhìn không gian 3.000 m2 phủ kín 20.000 người đến trải nghiệm, Cục trưởng Lê Quang Tự Do xúc động bởi mơ ước 'ngày những người làm game cùng ngồi với nhau' đã thành hiện thực.

"Xúc động" là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên sân khấu Vietnam Gameverse 2023 diễn ra ngày 1 và 2/4 vừa qua tại TP HCM, trong mỗi phát biểu của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cũng như đại diện những công ty trụ cột của ngành.

z4228435722311-98c58fd4d6a92c4-3264-4313

Ông Do đánh giá ngành game Việt tiềm năng và để lại không ít dấu ấn toàn cầu. Song thành công đến lẻ tẻ, vì các doanh nghiệp muốn đi nhanh nên chỉ đi một mình. "Hôm nay, mọi người nhìn vào sự kiện và nói đây là ngành game Việt Nam, không phải của công ty A hay công ty B tổ chức. Đó là điều mà Bộ mong muốn từ 15 năm nay", ông nói.

Lần đầu các ông lớn ngồi cùng nhau

Trước khi vào bài thuyết trình của mình trong Diễn đàn Game Việt Nam sáng 1/4, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, Công ty Cổ phần VNG - kể "đã bỏ nhiều công sức để viết một bài diễn văn dài". Nhưng khi đến đây, chạm và sống trong không khí ngày hội, ông gần như quên hết những con số, câu từ soạn thảo trước đó.

Vị đại diện của VNG có 15 năm gắn bó cùng ngành game. Ông từng tham gia nhiều ngày hội game ở Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan và luôn mơ ước một ngày nào đó Việt Nam sẽ làm những chương trình tương tự. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này trong các năm tiếp theo", ông Thắng nói.

Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc VTC Game đánh giá, với thị trường nội địa, ngày hội đem cơ hội song hành giữa các công ty để cùng nhau tiến tới toàn cầu. Về phía quốc tế, các ông lớn trên thế giới sẽ chú ý hơn đến ngành game Việt, thấy đây là một thị trường tiềm năng, cởi mở, thu hút thêm đầu tư.

Với nhà sáng lập Hiker Games - Nguyễn Tuấn Huy, khoảnh khắc khiến ông ấn tượng là đêm trao giải, khi nhìn thấy niềm vui, cảm xúc của những người được vinh danh và lẫn những đơn vị chưa được xướng tên.

"Mọi người hào hứng chia sẻ chiến thắng của mình, nhưng cũng vui vẻ chúc mừng với chiến thắng của người khác. Đối với nhiều người, sự tồn tại của ngày hội, của giải thưởng còn quan trọng hơn việc ai là người chiến thắng", ông nói.

Nhà báo Lê Mỹ - thành viên Ban giám khảo cho biết so với quốc tế, quy mô triển lãm vẫn còn khá nhỏ. Song sự kiện là thành công ngoài mong đợi của cả ngành sau rất nhiều năm bị áp lực từ định kiến xã hội cũng như khó khăn về chính sách.

"Từ sự kiện này hy vọng các doanh nghiệp game sẽ đầu tư mạnh thêm mảng sản xuất, giảm lượng phát hành game nhập ngoại. Những người làm chính sách cũng sẽ nhìn nhận game một cách công bằng hơn để thúc đẩy phát triển", ông nói.

Mục tiêu doanh thu tỷ USD

Diễn đàn Game Việt Nam đã thu hút 5.000 người tham gia, gồm cơ quản lý, chuyên gia và các công ty game, cộng đồng.

Đại diện các đơn vị phân tích bức tranh thị trường, tiềm năng cũng như thách thức, từ đó nêu ý kiến tháo gỡ rào cản, tối ưu lợi thế, đưa game Việt cất cánh.

Nhiều số liệu được dẫn ra để cho thấy ngành game Việt tiềm năng. Theo Newzoo, Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhìn thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, riêng Việt Nam có 54,6 triệu người chơi, doanh thu 507 triệu USD.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, đánh giá thể thao điện tử có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số, khi có tốc độ tăng trưởng hàng năm 8,1% và dự kiến có 640 triệu người theo dõi bộ môn này năm 2025.

Doanh thu ngành game mobile ước đạt 76 tỷ USD vào năm 2027.

Trong bức tranh đó, theo ông Lê Quang Tự Do, ngành game gặp thách thức vì các doanh nghiệp chưa có sự liên kết để đồng hành cùng nhau. "Việc này khiến doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế của nhau, dẫn đến thực trạng người Việt Nam chơi game nước ngoài trong khi doanh nghiệp Việt lại có nhiều người nước ngoài chơi", ông Do nói.

Ông Thái Thanh Liêm, CEO của Topebox trăn trở khi nhìn thấy những gì đang diễn ra tại thị trường Việt, người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn game được sản xuất nội địa. Theo ông, một phần nguyên nhân là trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt Nam. Thực tế, người Việt Nam có trình độ chơi game khá cao.

Lãnh đạo, chuyên gia trong phiên thảo luận đầu tiên.

Về mặt lâu dài, theo các diễn giả vấn đề nhân lực, hay mới nhất là đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là thách thức của ngành khi còn định kiến xã hội. "Thị trường nội địa đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro, nếu như áp thêm thuế thì làm sao có cơ hội", đại diện VTC nêu ý kiến và hy vọng sẽ có chính sách tạo cơ hội để doanh nghiệp cống hiến, tránh việc họ ra nước ngoài, thất thoát nguồn thu.

Phiên thảo luận thứ hai đi sâu về các yếu tố định hình ngành game.

Tổng kết, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh Bộ đặt mục tiêu doanh thu ngành game Việt đạt một tỷ USD; số lượng đơn vị phát hành game tăng trở lại, lên mức 100-150 doanh nghiệp và kéo thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp mới trong 5 năm tới.

Để hiện thực hóa các con số này, Cục trưởng nói các cơ quan quản lý, ban ngành đã đưa ra nhiều kế hoạch. Đầu tiên là việc kết nối trong - ngoài.

Trong nước, tháng 6/2022, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam đã chính thức được ra mắt với tên gọi VGDA (Vietnam Game Development Alliance). Đến nay, Liên minh đã thu hút và tập hợp gần 40 thành viên trong lĩnh vực phát triển game.

Ở môi trường quốc tế, Bộ đã kêu gọi nhiều quỹ đầu tư, công ty nước ngoài để tìm cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam. Trước đó, ngày 18/3, Bộ cũng kết nối một số doanh nghiệp Trung Quốc, sắp tới là Hàn Quốc, Mỹ đến Việt Nam đầu tư.

"Chúng tôi kết hợp chặt chẽ một số ngành để bỏ thuế không hợp lý, chính sách thí điểm, chuẩn bị ban hành nghị định quản lý ngành game để bỏ một số giấy phép, từ đó giúp các doanh nghiệp phát triển", đại diện Bộ Thông tin Truyền thông nêu.

Về thay đổi định kiến xã hội, ông Do cho biết, game có mặt trái nhưng cơ quan quản lý có thể kiểm soát, hạn chế.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, đại diện Bộ cho hay đã có đại học chuyên ngành công nghệ thông tin đề xuất lên Bộ Giáo dục Đào tạo mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Bộ Thông tin Truyền thông đã kết nối với nhiều đại học khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Giải thưởng game đầu tiên trong 20 năm

Game Awards 2023 thu hút gần 1.000 người tham gia. Bốn hạng mục giải thưởng đã vinh danh các tên tuổi xuất sắc. Hạng mục The Golden Star với Game của năm thuộc về Free Fire nhờ gameplay hấp dẫn, đồ họa đẹp và có tính cạnh tranh cao.

Game Việt xuất sắc trao cho Sky Dancer: Escaping From Eden, Game có thiết kế đồ họa đẹp nhất gọi tên Cửu Âm Chân Kinh. Liên Quân Mobile nhận cú đúp giải thưởng Game Di động xuất sắc và Game Thể thao Điện tử xuất sắc. Ban tổ chức còn bổ sung thêm giải Game Việt có thiết kế đồ họa đẹp nhất dành cho Cửu Dương Truyền Kỳ.

Monster, MoMo, LG, Asus, Acer đạt giải tại hạng mục The Golden Gear. VTC, VNG tạo bất ngờ khi cùng nhận giải Nhà phát hành xuất sắc thuộc hạng mục The Golden Sun.

Hạng mục The Golden Galaxy xướng tên cộng đồng Audition, Lai Bâng (SPG.Bangg), Saigon Phantom Liên Quân.

Toàn cảnh lễ trao giải.

Ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gosu Corp đề cao tính hữu ích và truyền cảm hứng của giải thưởng. "Đây là giải thưởng chuyên nghiệp quy mô toàn quốc đầu tiên dành riêng cho lĩnh vực trò chơi điện tử trong vòng 20 năm trở lại đây", ông Minh nói.

Dù không có đề cử tham gia giải thưởng, đại diện công ty Virtuos rất háo hức đón chờ kết quả của giải thưởng game chuyên nghiệp và quy mô lớn lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. "Giải thưởng giúp các sản phẩm game được nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc từ giới chuyên môn cũng như khán giả trong nước như sản phẩm sáng tạo thực thụ chứ không chỉ là những sản phẩm giải trí đơn thuần", ông nói.

Đại diện Free Fire nhận giải.

Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox nhận định Vietnam Game Awards 2023 có nhiều ý nghĩa quan trọng với ngành công nghiệp game Việt Nam và cộng đồng game thủ. Giải thưởng sẽ khuyến khích nhân lực tham gia khi hiểu hơn về tiềm năng của ngành, mang đến cơ hội khám phá những sản phẩm chất lượng. Các game đạt giải được đánh giá trên bộ tiêu chí rất kỹ, gồm cả yếu tố cạnh tranhtrên thị trường toàn cầu. "Vì vậy, người chơi có thể chắc chắn về chất lượng của các dòng game này", CEO cho biết.

17 gian hàng, hàng chục nghìn quà tặng

Là hoạt động kéo dài nhất trong hai ngày sự kiện, không gian trưng bày các dòng game kinh điển, loạt minigame sôi động, biểu diễn âm nhạc từ hiện đại đến dân gian, hút 20.000 người đến trải nghiệm game. Theo công bố từ các đơn vị, VTC phát 30.000 phần quà, VNG tặng 7.000 quà (trị giá 500 triệu đồng), Gosu mang đến hơn 8.000 phần quà.

Từ 7h ngày 1/4, nhiều bạn trẻ đến xếp hàng, chờ đến giờ mở cửa. Họ kiên nhẫn đợi hàng giờ đồng hồ để được trải nghiệm các hoạt động tại sự kiện. Nhiều người ở các tỉnh, thành lân cận như Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương... vượt cả trăm km đến tham dự để nhận quà hoặc gặp gỡ cộng đồng game thủ trong cả nước.

Các bạn trẻ hào hứng tham gia thử thách nhận quà.

Trương Trần Thuận Tính (quận 1) đến từ sớm và nhận nhiều phần quà giá trị. Tính cho biết, sau 15 phút dạo quanh khu Game Expo, anh được 3-4 phần quà.

Ngọc Minh (quận 2) và Thiên Ý (quận 6) cũng phải đợi hàng giờ mới có thể check-in lấy quà tại gian hàng VTC. Đại diện VTC Game cho biết đến 12h ngày 2/4, đơn vị đã tặng gần hết 30.000 phần quà. Gian hàng này cũng là khu vực duy nhất mở cửa đến 22h trong ngày đầu tiên. Hơn 500 thành viên cộng đồng Audition ở lại để xếp hàng nhận quà, đồng thời chờ đón đêm trao giải.

Đại diện VNG cho biết, công ty có nhiều phần quà giá trị cao như iPad, tai nghe bluetooth, nồi chiên không dầu, máy hút bụi nên thu hút lượng lớn người chơi. Gian hàng của VNG luôn chật kín người xếp hàng, trải nghiệm. Đây cũng là khu vực có đa dạng hoạt động nhất, từ quay số đến đố vui, biểu diễn nhạc dân gian, cosplay... Có lúc, game thủ ngồi bệt xuống sàn, sôi nổi trả lời câu hỏi, xem các tiết mục biểu diễn.

Game thủ ngồi bệt xuống sàn để theo dõi màn trình diễn.

Các game thủ cũng được trải nghiệm các tựa game kinh điển hoặc dự án sắp ra mắt trên laptop, smartphone, máy cầm tay...

Gian hàng của ESCA tổ chức thi đấu Liên Quân Mobile 5vs5. Diễn biến các trận đấu được trình chiếu trên màn hình lớn. Trò chơi Moba trên di động có cộng đồng người chơi đông. Các trận đấu giữa các game thủ nghiệp dư nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi từ khán giả. VNG cũng mang đến gian hàng trải nghiệm Metal Slug: Awakening, thu hút đông game thủ xếp hàng chờ trải nghiệm. Hình thức thi đấu đối kháng theo đội ba người, trực tiếp trên màn hình lớn.

Lượng người đến Game Expo đa phần là game thủ trẻ tuổi nhưng không xảy ra tình trạng xô lấn chen đẩy, tạo nên không khí sôi động, văn minh.

Mô phỏng giải đấu eSports chuyên nghiệp

Trong chiều hai ngày 1-2/4, hoạt động thi đấu Game Arena hút 3.000 người theo dõi. Với không ít game thủ, đây là lần đầu tiên được chứng kiến thi đấu eSports. Các màn đấu giữa tuyển thủ, KOL và người chơi được bình luận trực tiếp bởi MC, bình luận viên như tại các giải đấu chuyên nghiệp, góp phần tăng thêm hứng thú.

Ngày đầu tiên, buổi thi đấu bắt đầu vào 15h với 16 người chơi tham dự Đấu Trường Chân Lý (Liên Minh Huyền Thoại). Trong đó, 7 độc giả may mắn được lựa chọn để thi đấu cùng các KOLs. Top 4 mỗi game (tổng 4 trận, trao 16 giải) sẽ nhận bàn phím Acer Predator trị giá 2,5 triệu đồng.

Hai KOL là Vương Anh Ole và tuyển thủ July của đội Cafe Nhân Phẩm cùng 14 khán giả lựa chọn ngẫu nhiên, chia hai bảng thi đấu. Trận đầu, Vương Anh Ole có cú lội ngược dòng, vượt 7 đối thủ để giành chiến thắng.

Diễn viên sinh năm 1991 cho biết đây là lần đầu được chơi game trên sân khấu, trước sự chứng kiến của nhiều người song song với màn bình luận của anh Mạnh An cùng July. So với những lần livestream chơi game trước đó, anh cảm thấy như "được là chính mình", tự quyết định các chiến lược, chọn từng quân cờ và ra chiêu theo ý muốn.

Vương Anh Ole trong trận đấu.

Ngày thi đấu thứ hai là game Liên Quân Mobile, lúc 14h-16h, gồm 5 tuyển thủ chuyên nghiệp và 5 KOLs, tranh tài đối kháng trong hai trận 5-5.

10 tuyển thủ gồm 5 vận động viên chuyên nghiệp của V Gaming; 5 người nổi tiếng gồm Cô giáo Quỳnh, Thầy giáo X, Light Lauriel, Tổng thống Veres, MaiLK được chia ngẫu nhiên thành hai đội. Các đội thi đấu ba trận để phân định kết quả.

Kết thúc ba ván đấu, Game Arena khép lại với tỷ số 2-1 nghiêng về đội Băng gồm các thành viên V Gaming Maris, BirdLB, Han cùng với Mai LK và Light Lauriel. Cả 10 thành viên tham gia thi đấu đều sẽ được nhận màn hình gaming LG UltraGear Full HD 27 inch (trị giá 4,9 triệu đồng).

1.000 khán giả xem trình diễn Cosplay Contest

Chung kết cuộc thi Cosplay Contest diễn ra vào 9h ngày 2/4 với 1.000 khán giả. Top 10 cuộc thi trình diễn trên sân khấu để ban giám khảo chấm điểm, chọn ra ngôi vị quán quân.

Chiến thắng thuộc về Taevii và Pé Cáo, hóa thân thành hai vị tướng Irelia - Aphelios trong game Liên Minh Huyền Thoại. Quán quân chung cuộc nhận giải thưởng gồm 10 triệu đồng tiền mặt và một laptop Acer trị giá 20 triệu đồng. Phần trình diễn được đánh giá cao vì sự đầu tư chỉnh chu. Ngoài trang phục, phụ kiện và make-up, đội thi còn chuẩn bị kỹ càng về mặt kịch bản. Cốt truyện truyền tải thông điệp rõ ràng.

9 tiết mục còn lại đều được đầu tư công phu trong trang phục, kịch bản. Các thí sinh cũng chú trọng diễn xuất, vũ đạo, thu hút nhiều chú ý từ khán giả và lời khen của ban giám khảo.

Sự kiện khép lại lúc 17h30 ngày 2/4, một số game thủ vẫn nán lại chụp ảnh cùng bạn bè tại backdrop sân khấu chính.

Gia Hưng (22 tuổi, quận Bình Thạnh) nói, chưa bao giờ tham gia sự kiện game lớn như hôm nay. "Là lần đầu tiên, em muốn lưu lại khoảnh khắc này làm kỷ niệm vì không biết năm sau sự kiện có diễn ra nữa hay không".

Kỳ vọng duy trì một sự kiện game chung của Việt Nam cũng được ông Lê Quang Tự Do đề cập trong bài phát biểu khai mạc: "Tôi mong sự kiện này không chỉ diễn ra năm này mà sẽ tiếp nối những năm tiếp theo và không chỉ là sự kiện trong nước mà còn vươn tầm quốc tế".

Minh Tú
Ảnh: Quỳnh Trần - Thanh Tùng