Ông Tea Banh, phó thủ tướng kiêm trưởng Ban tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC) cho biết nước này chi khoảng 118 triệu USD cho đại hội, trong đó có hơn 7 triệu USD miễn phí ăn ở cho các đoàn VĐV, đồng thời mở cửa tự do cho khán giả vào xem các trận đấu nhằm thể hiện "tấm chân tình" của người dân nước này.
Uch Leang, học giả Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng quyết định đăng cai SEA Games 32 và các chính sách miễn phí đã góp phần thể hiện vị thế mới của Campuchia, xây dựng hình ảnh đất nước hiếu khách và phát triển.
"Để được cộng đồng quốc tế tin tưởng giao trọng trách tổ chức những sự kiện lớn, Campuchia trước hết cần chứng tỏ mình có đủ khả năng đăng cai", ông Leang nói với VnExpress.
Ông nhận định đăng cai SEA Games 32 là cột mốc chứng tỏ Campuchia đã đạt đến một vị thế mới, đủ năng lực tổ chức một sự kiện thể thao - văn hóa quy mô lớn. Giới lãnh đạo lẫn người dân Campuchia đều mong muốn khẳng định đất nước đã có nhiều bước tiến trong những năm qua, nâng cao hình ảnh trong khu vực và trên trường quốc tế.
Điều đó rất khác so với năm 2006, khi Thủ tướng Hun Sen thông báo nước này không thể đăng cai SEA Games 26 vì cần dành nguồn lực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012. Liên đoàn SEA Games đến năm 2010 tiếp tục gửi lời mời Campuchia đăng cai tổ chức đại hội vào năm 2015, nhưng Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC) vẫn từ chối với lý do không đủ thời gian để chuẩn bị chu đáo.
"Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự ủng hộ của bạn bè khu vực. Song, nhìn nhận một cách thực tế, 5 năm là không đủ để chúng tôi huy động nguồn lực, xây dựng hạ tầng và phát triển nhân lực cho sự kiện", Vath Chamroeun, tổng thư ký NOCC, khi đó chia sẻ. "Campuchia còn rất nhiều thử thách phải vượt qua để có thể tuyên bố tự tin rằng chúng tôi đã sẵn sàng nhận trọng trách".
Đến năm 2015, NOCC mới lần đầu tiên công bố nguyện vọng đăng cai SEA Games 32. Kể từ đó, Campuchia ráo riết bắt tay vào chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.
Chính phủ Campuchia năm 2015 đã phê duyệt kế hoạch xây dựng Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Morodok Techo với dự toán kinh phí 200 triệu USD. Dự án hoàn thành vào tháng 8/2021 với kinh phí xây dựng thực tế khoảng 160 triệu USD.
Theo chuyên gia Leang, 8 năm là thời gian cần thiết để Campuchia chuẩn bị cho lần đầu đăng cai SEA Games, sự kiện mà người dân nước này đã mong đợi hơn 6 thập kỷ. Ông cho hay ngoài chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức sự kiện, Campuchia còn chi khoảng 100 triệu USD để huấn luyện và hỗ trợ vận động viên thi đấu tại SEA Games 32.
"Nỗ lực tổ chức sự kiện quy mô lớn, đúng với thời điểm cam kết còn cho thấy Campuchia đã vượt qua được nhiều khó khăn trong phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19. Chính phủ và người dân cũng kỳ vọng những đầu tư dành cho SEA Games 32 sẽ tạo bước đà để đất nước gặt hái thêm những thành công khác trong tương lai", ông nhận định.
Thông điệp tương tự cũng được Campuchia truyền tải khi tổ chức các sự kiện quốc tế và khu vực quan trọng gần đây, như hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan vào tháng 11/2022.
Phnom Penh còn nỗ lực góp tiếng nói trong nhiều vấn đề có tác động lớn đến khu vực như thúc đẩy đối thoại ASEAN - Myanmar, điều phối công bố nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hay góp phần tạo điều kiện để Ukraine tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN năm ngoái.
Ngoài nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia, SEA Games 32 cũng có thể mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho Campuchia, theo các nhà kinh tế.
Thomas O'Sullivan, giám đốc điều hành trang bất động sản RealEstate có trụ sở tại Phnom Penh, nhận định những dự án hạ tầng và giao thông phục vụ SEA Games có thể tác động tích cực lên lĩnh vực du lịch và thu hút nhiều nhà đầu tư mới cho thị trường nước này.
Ngành nhà hàng, khách sạn Campuchia sẽ hưởng lợi trong thời gian diễn ra SEA Games, khi nước này sẽ đón tiếp khoảng 12.000 thành viên các đoàn và 500.000 du khách quốc tế, theo ông Thong Khon, bộ trưởng Bộ Du lịch kiêm chủ tịch Uỷ ban Olympic Campuchia.
Sau khi SEA Games kết thúc, hiệu ứng truyền thông mà sự kiện mang lại sẽ tiếp tục đem đến lợi ích đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này, khi nhiều du khách nước ngoài biết đến Campuchia hơn, Sothavatey Mom, giám đốc vùng thuộc công ty tư vấn bất động sản FazWaz Cambodia, nhận định.
Chính sách mở cửa tự do cho khán giả xem thi đấu SEA Games được kỳ vọng sẽ tạo động lực tiêu dùng mạnh mẽ trong giai đoạn sự kiện diễn ra, phù hợp với chiến dịch kích cầu "Năm Du lịch 2023 Campuchia" của chính phủ, với mục tiêu thu hút khoảng 4-4,5 triệu du khách trong năm nay.
"Chiến lược 'SEA Games miễn phí' có thể khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn cho các khoản di chuyển, chỗ ở và ăn uống, tạo động lực tích cực cho đời sống kinh tế của Campuchia", chuyên gia kinh tế Ngeth Chou, thuộc công ty tư vấn Emerging Markets Consulting (EMC) ở Phnom Penh, đánh giá.
Thanh Danh