Trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 17/4, phi công điều khiển thiết bị bay không người lái (drone) Ukraine Dimko Zhluktenko cho biết do quá nhiều drone có công nghệ rất giống nhau xuất hiện trên tiền tuyến, họ gần như không thể phân biệt được địch - ta trong chiến đấu.
"Thử tưởng tượng bạn là lính bộ binh và trông thấy một drone tự sát góc nhìn thứ nhất (FPV) đang bay về hướng mình mà không biết nó là đồng minh hay kẻ địch", Zhluktenko nói. "Trong nhiều trường hợp như vậy, nếu có thiết bị tác chiến điện tử, quân nhân Ukraine sẽ nhấn nút để gây nhiễu mọi thứ vì quá sợ hãi".
Xung đột Ukraine là cuộc chiến công nghệ cao với sự xuất hiện của nhiều loại phương tiện không người lái, song thành bại vẫn phụ thuộc vào con người, theo Zhluktenko.

Lính Ukraine triển khai drone FPV trong buổi huấn luyện tại tỉnh Zaporizhzhia tháng 11/2024. Ảnh: Lữ đoàn Cơ giới số 65 Ukraine
"Rắc rối sẽ luôn xảy ra vì không phải ai cũng là chuyên gia công nghệ", quân nhân này nói. "Giả sử trong chiến hào có người lính chưa từng sử dụng điện thoại thông minh bao giờ, song bằng cách nào đó phải chỉnh đúng tần số trên thiết bị gây nhiễu để đối phó drone FPV đang lao tới. Đó sẽ là mớ hỗn độn".
Do đó, thay vì bật đúng tần số mà drone địch sử dụng, quân nhân này sẽ kích hoạt toàn bộ tần số để gây nhiễu mọi thứ, bao gồm cả drone đồng minh. Đã có nhiều thông tin drone Ukraine bị tác chiến điện tử đồng đội vô hiệu hóa nhầm.
Dựa vào các video giao tranh trên tiền tuyến, trang Business Insider nhận định tình trạng này là có thật, đặc biệt khi hàng chục drone cùng hiện diện một lúc. "Drone này của ai?" và "Đó có phải drone của anh không?" là những câu hỏi thường xuyên được hét lên giữa tiếng súng.
Một cựu binh Mỹ từng chiến đấu cho Ukraine năm ngoái nói rằng không thể phân biệt được drone trên đầu là của phe nào cho đến khi nào nó thả lựu đạn xuống, khiến anh phải bỏ chạy. Một phi công drone Ukraine khác tiết lộ tình trạng hỗn loạn này khiến họ đôi khi tìm cách bắn hạ tất cả drone nhìn thấy, mà không đợi xác định đó là khí tài của ai.
Zhluktenko cho biết Nga có một số mẫu drone tương đối dễ phân biệt. Moskva sản xuất ít loại drone hơn Kiev và điều đó giúp lực lượng nước này có thể học cách nhận diện và đối phó chúng dễ dàng hơn.
Dù vậy, đôi khi vẫn rất khó để phân biệt drone địch - ta trong chiến trường hỗn loạn. Theo Zhluktenko, hầu hết drone "có hình dáng và âm thanh giống nhau, sử dụng chung tín hiệu tần số vô tuyến và những thứ khác".

Drone Nga thả đầu nổ tại thao trường ở quân khu Moskva năm 2020. Ẳnh: BQP Nga
Nga và Ukraine được cho là đang sử dụng cùng một số loại drone, trong đó có dòng Mavic. Số lượng tần số vô tuyến được sử dụng trên chiến trường nhiều đến mức đôi khi phi công drone của phe này vô tình thu được tín hiệu hình ảnh do drone phe kia truyền về.
Quân nhân hai bên thường cố gắng tránh phát tín hiệu gây nhiễu trên mọi tần số, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới drone phe mình. Zhluktenko cho biết phi công drone Ukraine sẽ tìm cách báo cho đồng đội trước khi làm nhiệm vụ ở tiền tuyến hoặc khu vực có quân nhân nước này.
Họ thường gửi thông báo về hoạt động của mình qua các ứng dụng nhắn tin như Signal. "Ở mỗi khu vực tác chiến, chúng tôi lại có một nhóm chat riêng để điều phối hoạt động của drone", anh nói.
Drone đang được sử dụng tại chiến trường Ukraine nhiều hơn bất kỳ xung đột nào khác trong lịch sử. Chúng được dùng để theo dõi, xác định vị trí đối phương và tung đòn tấn công tự sát, có thể phá hủy khí tài trị giá hàng triệu USD.
Tác chiến điện tử được cho là giải pháp để đối phó loại khí tài này. Ngoại trừ drone gắn cáp quang hoặc được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, phần lớn khí tài này được kết nối với người vận hành bằng tín hiệu vô tuyến có thể bị gây nhiễu.
Kíp vận hành ở Moskva điều khiển drone cáp quang trên mặt trận Chasov Yar trong video công bố ngày 15/4. Video: RIA Novosti
Khi tác chiến điện tử trở nên phổ biến hơn, số lượng giải pháp chống gây nhiễu cũng tăng lên. Nga đã lắp đặt cụm ăng-ten thông minh Rameta với khả năng lọc tín hiệu gây nhiễu lên một số loại drone và bom lượn.
Ukraine hiện tự sản xuất phần lớn drone và đang đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng nội địa, trong bối cảnh hỗ trợ từ Mỹ giảm sút kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Zhluktenko cho biết sẽ tiếp tục chiến đấu, bất kể mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sắp tới ra sao.
"Tôi không nghĩ một số người ở Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới quyết tâm chiến đấu của binh sĩ Ukraine để bảo vệ gia đình của mình", quân nhân này nói. "Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy buồn vì biết rất nhiều người Mỹ tuyệt vời mà mình có thể tự hào gọi là bạn".
Phạm Giang (Theo Business Insider)