Một buổi sáng, Dmytro, binh sĩ Ukraine 21 tuổi, tỉnh dậy với tâm thái "sẵn sàng đón nhận cái chết", vì anh sắp phải vượt sông Dnieper lần đầu tiên. Đây là nơi không ít đồng đội của anh đã ngã xuống trước đó.
Anh mang theo ba hộp cá mòi, 6 ổ bánh mì, khoảng 45 kg đạn dược và trang thiết bị cho chiến dịch vượt sông. Tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Dmytro xuất phát vào lúc mặt trời chưa mọc, tận dụng màn sương sớm để tránh bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Nga phát hiện.
Sau khi đến một cồn cát nông, họ chia thành cặp hai người và bắt đầu vượt sông. Mục tiêu của Dmytro và đồng đội là hướng tới làng Krynkyi, nằm cách sông Dnieper khoảng 2 km về phía đông. Anh từng cùng bố mẹ tới thăm ngôi làng này trước khi chiến sự xảy ra.
Trong lúc bước đi trên bùn, Dmytro cố gắng ngừng nghĩ về vợ con để tập trung cho nhiệm vụ trước mắt. Anh được báo về chiến dịch vượt sông trước đó vài ngày, song không cho rằng nó đã được lên kế hoạch tốt, do cấp trên không thông báo đơn vị anh sẽ phải đối mặt với điều gì ở bên kia sông. Quan trọng hơn, Dmytro không nghĩ rằng chiến dịch này đáng để anh phải đánh đổi tính mạng.
Một số binh sĩ Ukraine cũng có quan điểm tương tự. Johnson, chỉ huy một đơn vị trinh sát Ukraine, cho biết hồi tháng 7 năm ngoái, đội của anh được giao nhiệm vụ tấn công lực lượng Nga đồn trú tại cụm cù lao mà Dmytro chuẩn bị đi qua. Để thực hiện nhiệm vụ này, Johnson đã phải vượt sông 6 lần, gần nhất là vào tháng 10 cùng năm.
![Binh sĩ Ukraine mang mật danh Dmytro trong bức ảnh đăng ngày 4/1. Ảnh: Washington Post](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/01/05/Anh-1-3783-1704443716.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pDyU7XFd8kh4UH9KoRtFnA)
Binh sĩ Ukraine mang mật danh Dmytro trong bức ảnh đăng ngày 4/1. Ảnh: Washington Post
Chỉ huy Ukraine cho biết địa hình bãi bồi xung quanh cù lao khiến việc di chuyển bằng xuồng tại đây rất khó khăn. Không ít lần Johnson đã phải dùng tay kéo chiếc xuồng dài gần 20 mét vượt qua được các khu vực lầy lội. Địa hình này cũng khiến việc đào hố cá nhân hay công sự rất khó, do chỉ xúc vài xẻng đất là sẽ chạm tới nước ngầm. Johnson và đồng đội cũng không thể nhóm lửa, nên trang phục của họ thường xuyên bị ẩm ướt và lạnh buốt.
Bất chấp khó khăn, đội của Johnson đã chiếm được cù lao, song cái giá mà họ phải trả là không nhỏ, khi cấp trên của anh thiệt mạng sau vụ nổ vào tháng 9 năm ngoái. Kiểm soát được cù lao này cũng không giúp các chiến dịch vượt sông sau đó của lực lượng Ukraine bớt đi nhiều nguy hiểm, theo Johnson.
"Thực lòng tôi không muốn ở vị trí của những người đang vượt sông một chút nào", anh chia sẻ.
Dmytro cho biết anh và đồng đội bị "ném như miếng thịt vào giữa bầy sói đói" trong lúc vượt sông, hành trình kéo dài khoảng 30 phút tới một tiếng. Một số binh sĩ khác cho biết đồng đội của họ đã bị lật xuồng và chìm xuống sông do không thể bơi vào bờ vì bị thương, hoặc bị quân tư trang mang trên người kéo xuống. "Chúng tôi đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại", một binh sĩ nói.
Sau nhiều nỗ lực, Dmytro và đồng đội đặt chân được tới bờ đông sông Dnieper, song lập tức phải đối mặt với các đợt pháo kích dồn dập của đối phương. Dmytro cố gắng liên lạc với đội pháo cối ở bờ tây để yêu cầu họ tấn công đáp trả, giải vây cho anh và đồng đội, song không thành công.
Đến khoảng 8 giờ sáng, hai người trong đội đã thiệt mạng dưới hỏa lực của Nga, chỉ còn 12 trong 30 lính thủy quân lục chiến Ukraine sang được bờ đông sông còn lành lặn.
"Chúng tôi không thể chiến đấu với từng này người bị thương và cần phải chờ nhân lực thay thế", Dmytro cho biết.
Binh sĩ Ukraine có mật danh Sawyer cho biết những người thiệt mạng đều là lái xuồng và điều này là tổn thất lớn đối với họ.
"Học lái xuồng không phải là một điều dễ dàng. Bạn không những phải biết cách điều khiển chúng mà còn phải có khả năng ứng biến thật nhanh. Đây thật sự là một thảm họa với chúng tôi", Sawyer nhận định.
Địa hình ở bờ đông sông Dnieper tương đối trống trải, ít cây cối nên không có nhiều chỗ ẩn nấp. Các vạt rừng cũng đã bị lực lượng Nga gài mìn dày đặc, nên đội của Dmytro chỉ còn cách đào hố cá nhân và đắp bao cát xung quanh để tránh mảnh đạn pháo đối phương, trong lúc chờ lực lượng chi viện từ bên kia sông.
![Lính Ukraine tác chiến trên sông Dnieper ở Kherson ngày 17/11. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/01/05/Anh-2-2033-1704443716.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e4sq53lrTi_taP2rY90R5w)
Lính Ukraine tác chiến trên sông Dnieper ở Kherson ngày 17/11. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
"Khi xung quanh của bạn toàn là những tiếng nổ, bạn sẽ không thể nghĩ được gì ngoài việc đếm từng phút mình còn sống", Dmytro nói.
Anh và đồng đội đã phải đợi gần 8 giờ trong hố cá nhân ngập nước, trước khi lực lượng chi viện tới nơi. Các đơn vị Ukraine sau đó cũng sang được bờ đông nhiều hơn.
Khi lực lượng đã dày, Dmytro và 44 đồng đội bắt đầu tiến về làng Krynkyi. Họ chia thành các nhóm 2-3 người để di chuyển trong đêm tối. Đột nhiên, Dmytro nghe thấy tiếng súng ở phía sau lưng. Do trinh sát trước đó báo rằng khu vực này không còn lính Nga, Dmytro cho rằng có thể đồng đội của anh đã bắn nhầm và vội hét lên "Người mình đây!".
Anh nhanh chóng nhận ra rằng mình đã nhầm và đó chính là lực lượng Nga, nên lập tức cùng các thành viên trong đội bắn trả. Trong đêm đó, họ vượt qua được ổ hỏa lực đối phương để tiến về làng Krynkyi, nơi lực lượng Ukraine đã thiết lập được chỗ đứng, dù khu vực này đang bị lính Nga phong tỏa, tập kích liên tục.
Vào ngày thứ hai ở bờ đông sông Dnieper, Dmytro bị thương do trúng mảnh đạn vào hông và được đưa về hậu phương. Trên đường quay trở lại bờ sông Dnieper, anh đã chứng kiến cảnh tượng hoang tàn không thể nào quên.
Nơi từng là những cái cây lớn chỉ còn lại những khúc củi cắm trên mặt đất. Bờ sông đã bị tàn phá tới mức trở thành một đống hỗn độn giống như keo dính, xung quanh là thi thể một số binh sĩ Ukraine bị bỏ lại, chưa thể thu hồi trước hỏa lực quá rát của lực lượng Nga. Theo Dmytro, đã có thêm ít nhất 5 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 20 người bị thương tính đến thời điểm chiến dịch vượt sông lần này kết thúc.
"Mọi thứ đã bị đạn pháo san phẳng đến mức không thể nhận ra được", Dmytro nói.
Theo binh sĩ Ukraine, lợi ích mà nước này thu được trong chiến dịch vượt qua "con sông tử thần" là rất nhỏ so với thương vong mà họ phải chịu. Giới chuyên gia trước đó nhận định chiến dịch này không có ý nghĩa nhiều về mặt quân sự, chủ yếu nhằm thuyết phục các nước phương Tây rằng Ukraine đang đạt tiến triển trong chiến dịch phản công và viện trợ của họ cho Kiev không vô ích.
"Chiến dịch chủ yếu mang tính biểu tượng, cho phép Kiev đưa ra tuyên bố về một chiến thắng cục bộ sau thất bại trong chiến dịch phản công mùa hè", Michel Goya, cựu đại tá lục quân Pháp, nhận định, thêm rằng quân đội Ukraine từ làng Krynki khó có thể tiến sâu hơn về phía nam.
Giới chức Kiev chưa bình luận về thương vong của lực lượng Ukraine ở khu vực sông Dnieper, song Natalia Humeniuk, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam, mới đây thừa nhận họ chưa đạt được nhiều lợi ích về quân sự ở bờ đông. "Chưa có ngôi làng nào được giải phóng", bà nói.
Dù vậy, Ukraine hiện không có ý định từ bỏ nỗ lực tiến công theo hướng sông Dnieper. Dmytro cho biết anh đã được lệnh quay trở lại bờ đông con sông sau khi hồi phục vết thương.
![Vị trí sông Dnieper và làng Krynkyi. Đồ họa: RYV](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/01/05/Do-hoa-7191-1704443716.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AlurPZLZW8e4oyAkki8gUQ)
Vị trí sông Dnieper và làng Krynkyi. Đồ họa: RYV
Phạm Giang (Theo Washington Post, Business Insider, Reuters)