Hình ảnh do đơn vị máy bay không người lái (UAV) "Achilles" nổi tiếng thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 92 của Ukraine công bố cho thấy các binh sĩ dùng cưa máy cắt rời một quả đạn pháo M483A1 cỡ nòng 155 mm. Đây là một loại đạn chùm được Mỹ cung cấp cho Kiev hồi tháng 7.
Đạn chùm, còn gọi là Đạn Thông thường Đa dụng Cải tiến (DPICM), chứa hàng chục đến hàng trăm quả đạn con bên trong. Mỗi quả đạn con được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp, bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ, có thể đối phó cả xe thiết giáp và bộ binh đối phương.
Sau khi cưa quả đạn pháo, lính Ukraine lấy đạn con ra ngoài và gắn lên UAV để thả xuống các vị trí Nga. Mỗi quả đạn pháo M4831A1 chứa 88 viên đạn con, bao gồm 64 viên M42 và 24 viên M46. Đạn M46 có kích thước dày hơn so với đạn M42 và thường được xếp ở lớp dưới của quả đạn pháo.
Binh sĩ Ukraine sau đó gài ngòi nổ trên các quả đạn con bằng cách dùng tay xoắn phần đuôi hãm bằng vải. Phương pháp này cũng giúp giữ quả đạn ổn định. Khi quả đạn được thả từ UAV, ngòi nổ theo quán tính sẽ phóng chốt bắn vào hạt nổ, kích hoạt thuốc nổ ở bên trong.
Quy trình hoán cải đạn chùm này gây ra một số lo ngại về vấn đề an toàn, do việc sử dụng công cụ thô sơ để cắt đạn pháo tiềm ẩn nguy cơ cao. Ngòi nổ của đạn chùm cũng rất dễ kích hoạt nếu không thao tác đúng cách.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định phương pháp này có thể hiệu quả hơn bắn đạn chùm, do UAV có thể phát hiện mục tiêu rõ ràng hơn và thả đạn chính xác hơn. Việc hoán cải cũng có thể giúp một quả đạn pháo M4831A1 tấn công tới 88 mục tiêu riêng biệt.
Đạn chùm cũng được thiết kế để có thể rơi tự do một cách ổn định xuống các mục tiêu, phù hợp để sử dụng với UAV, nhất là khi việc hoán cải nó không thực sự phức tạp. Với đặc tính "đa dụng", đạn chùm có thể đối phó cả xe thiết giáp và mục tiêu mềm như binh sĩ, khí tài thông thường, đều là những mục tiêu chủ yếu của UAV Ukraine.
Đạn chùm mà Mỹ cung cấp được kỳ vọng có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev.
Tuy nhiên, việc Mỹ chuyển giao đạn chùm cho Ukraine cũng bị một số quốc gia và tổ chức quốc tế phản đối, do loại vũ khí này có thể gây ra sát thương trên diện rộng, đặc biệt là với dân thường sau chiến tranh.
Nhu cầu về đạn pháo của Ukraine tăng mạnh gần đây sau khi quân đội nước này từ bỏ chiến thuật "xung kích" kiểu NATO, quay lại cách đánh truyền thống là sử dụng pháo và tên lửa tầm xa để bào mòn phòng tuyến Nga.
Phạm Giang (Theo Drive, Reuters)