Tư lệnh lực lượng biên phòng Ukraine Serhiy Deineko tối 12/8 đăng trên Facebook video cho thấy các binh sĩ dưới quyền đi xuồng máy đổ bộ lên đảo Rắn để cắm cột mốc sơn màu xanh và vàng, đánh dấu chủ quyền của Ukraine.
"Cột mốc biên giới tiếp theo sẽ được cắm tại Crimea sau khi lực lượng phòng vệ Ukraine giải phóng vùng đất này", một lính biên phòng Ukraine tuyên bố trong video.
Lính biên phòng Ukraine cắm cột mốc biên giới trên đảo Rắn ngày 12/8. Video: Twitter/Bộ Nội vụ Ukraine
Đảo Rắn trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022, khi các sĩ quan Nga trên soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen yêu cầu lính Ukraine đồn trú trên đảo đầu hàng.
Một binh sĩ Ukraine đã trả lời qua radio, yêu cầu "Tàu chiến Nga, hãy biến đi". Cụm từ này sau đó đã trở thành khẩu hiệu quốc gia, xuất hiện trên các biển quảng cáo, áo phông, thậm chí là tem bưu chính của Ukraine.
Đảo Rắn còn gọi là đảo Zmiinyi, có diện tích khoảng 17 hecta và nằm cách cảng Odessa của Ukraine khoảng 35 km. Trước chiến sự, khoảng 100 lính biên phòng Ukraine đồn trú trên đảo Rắn. Nga kiểm soát hòn đảo vài ngày sau khi chiến sự bùng phát. Hòn đảo có vị trí chiến lược vì án ngữ các tuyến đường biển đến Odessa, cảng chính ở Biển Đen của Ukraine.
Ukraine đã sử dụng tên lửa diệt hạm tấn công tàu Moskva ngày 14/4/2022, khiến soái hạm này bị chìm trên Biển Đen. Ngày 30/6/2022, Nga rút toàn bộ lực lượng trên đảo Rắn, tuyên bố đây là "cử chỉ thiện chí". Lực lượng Ukraine sau đó tiếp quản hòn đảo này.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Nga đã kiểm soát và sáp nhập nhiều khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đang đẩy mạnh phản công và tuyên bố sẽ giành lại thêm lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)