Guardian ngày 21/5 đăng video cho thấy đám đông người định cư Israel ở Bờ Tây chặn đoàn xe tải chở hàng hóa cứu trợ cho Dải Gaza tại trạm kiểm soát Tarqumiya. Họ phá thùng xe, vứt các bao hàng cứu trợ xuống vệ đường, trong khi nhóm binh sĩ Israel có nhiệm vụ hộ tống đoàn xe cầm vũ khí đứng ngay bên cạnh mà không có bất cứ biện pháp ngăn cản nào.
Điều tra của Guardian cho thấy nhóm người định cư và nhà hoạt động cực hữu này thường xuyên thông báo trước cho các thành viên về địa điểm, thời gian các đoàn xe chở hàng viện trợ tới Gaza. Các tin nhắn trong nhóm cho hay họ nhận được tin báo chỉ điểm từ binh sĩ và cảnh sát Israel, giúp họ bố trí lực lượng chặn xe và phá hoại hàng hóa.
Người phát ngôn của nhóm hoạt động Israel xác nhận họ được nhân viên cảnh sát và quân đội thông báo về vị trí của các xe tải viện trợ. Nhóm phá hoại xe viện trợ cho Dải Gaza nói rằng số hàng này khi đến Gaza sẽ lọt vào tay Hamas, thay vì được chuyển tới người dân Palestine cần giúp đỡ.
Các cơ quan cứu trợ do Liên Hợp Quốc điều phối bác bỏ cáo buộc này. Giới chức Mỹ cũng nói rằng Israel không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy hàng viện trợ được chuyển đến Hamas thay vì dân thường đang đứng trên bờ vực nạn đói.
Rachel Touitou, người phát ngôn của nhóm hoạt động cực hữu Tzav 9, cho biết nhóm đã chặn các xe hàng viện trợ đi qua Israel kể từ tháng 1, vì lo số hàng này sẽ "tiếp sức" cho Hamas.
"Cảnh sát hay binh sĩ Israel vốn có nhiệm vụ bảo vệ người dân, nhưng lại bị cử đi bảo vệ các đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo dù biết số hàng hóa cuối cùng cũng rơi vào tay Hamas. Không thể trách họ khi họ chỉ điểm cho các nhóm đang cố ngăn nguồn hàng viện trợ đó. Đúng là chúng tôi nhận được tin báo từ người trong lực lượng an ninh Israel", Touitou nói.
Mạng xã hội tuần trước xuất hiện các video cho thấy đám đông người Israel ném nhu yếu phẩm, gạo cứu trợ ra đường. Nhóm Tzav 9 cho rằng các đoàn xe viện trợ này không khác gì "quà tặng" cho Hamas.
"Đa số dân Israel đồng tình với chúng tôi. Hamas đang bán lại số hàng viện trợ cho dân thường, thay vì cung cấp miễn phí. Chúng tôi sẽ tiếp tục chặn hàng hóa viện trợ tới khi có thể chứng minh chúng đến tay dân thường", Touitou nhấn mạnh.
Yazid al-Zoubi, 26 tuổi, tài xế người Palestine chở hàng viện trợ, đã bị người Israel tấn công khi tới trạm kiểm soát Tarqumiya hồi tuần trước. Zoubi cáo buộc lực lượng an ninh Israel đã "phối hợp" với đám đông phá hoại hàng viện trợ.
"Chúng tôi bị sốc khi quân đội Israel không bảo vệ chúng tôi, dù họ có mặt ở đó và chứng kiến mọi chuyện", al-Zoubi nói.
Quân đội Israel thừa nhận hai binh sĩ của lực lượng này đã từ chối giải tán đám đông phá hoại xe hàng viện trợ Gaza ở Makhash vào tuần trước. Một người đã bị kết án tù 20 ngày.
Cảnh sát Israel và COGAT, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách điều phối việc chuyển hàng viện trợ vào Gaza, từ chối bình luận về cáo buộc các thành viên trong lực lượng hỗ trợ người dân phá hoại hàng viện trợ.
Quan chức quân đội Israel Nir Dinar trong khi đó gọi đây là cáo buộc vô căn cứ. Ông khẳng định cảnh sát Israel đang điều tra các vụ chặn đường và phá hoại hàng viện trợ, trong khi quân đội Israel nỗ lực ngăn hành động này.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir cuối tuần trước tuyên bố chính phủ nên chặn đoàn xe viện trợ cho Gaza, thay vì để các nhóm hoạt động ra tay.
"Chúng ta ở đất nước dân chủ và tôi ủng hộ quyền tự do biểu tình. Họ được phép biểu tình. Tôi không đồng tình với việc họ tấn công và đốt các xe tải chở hàng viện trợ, nên chính phủ cần phải chặn đoàn xe ngay từ đầu", ông Ben-Gvir nói.
Lãnh đạo Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) Philippe Lazzarini hồi đầu tháng tố cáo Israel cản trở nguồn viện trợ cho Dải Gaza khi khu vực đứng trước nguy cơ "nạn đói toàn diện".
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023, sau khi Hamas tấn công miền nam Israel khiến hơn 1.100 người chết và bắt cóc 250 người. Israel nhanh chóng mở chiến dịch đáp trả vào Dải Gaza, khiến hơn 35.600 người thiệt mạng.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 1,1 triệu người tại dải đất đang đứng bên bờ vực nạn đói ở cấp độ thảm họa. Khủng hoảng nhân đạo ở đây ngày càng nghiêm trọng vì chiến sự kéo dài và đang lan đến thành phố miền nam Rafah, miền nam Dải Gaza.
Ngọc Ánh (Theo Guardian/Reuters/AFP)