Jens Laerke, phát ngôn viên Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp quốc (OCHA), ngày 27/2 cho biết nỗ lực sơ tán bệnh nhân và chuyển hàng viện trợ "gần như bất khả thi" ở miền bắc Dải Gaza và ngày càng khó khăn ở khu vực miền nam.
Ông Laerke cho biết một đoàn xe do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PCRS) phối hợp tổ chức để sơ tán 24 bệnh nhân từ bệnh viện Al Amal ở Khan Younis ngày 25/2 bị lính Israel chặn lại trong 7 giờ. Israel đang bao vây bệnh viện này.
"Đoàn xe do WHO dẫn đầu bị lực lượng Israel chặn lại ngay sau khi rời bệnh viện, bất chấp toàn bộ nhân viên tháp tùng thể hiện hợp tác với họ", ông Laerke nói. "Binh sĩ Israel buộc toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân rời khỏi xe cứu thương. Họ cũng buộc các nhân viên y tế cởi hết quần áo".
Theo ông Laerke, lực lượng Israel bắt ba nhân viên y tế của PRCS "dù đã nhận được thông tin cá nhân của họ từ trước" và mới chỉ thả một người trong số này. "Đây không phải sự cố riêng lẻ mà diễn ra có hệ thống", ông Laerke nói. "Các đoàn xe viện trợ bị tấn công hoặc bị ngăn cản, khiến họ không thể tiếp cận những người cần được giúp đỡ".
WHO cho biết chính quyền Israel gần đây từ chối cho phép các đoàn xe chở hàng viện trợ theo kế hoạch tới miền bắc Dải Gaza, lần cấp phép cuối cùng là ngày 23/1. Thậm chí những đoàn xe đã được giới chức Israel cấp phép di chuyển cũng nhiều lần bị chặn hoặc bị bắn.
"Cách hành xử của Israel khiến các nhân viên nhân đạo phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, bị thương hoặc tệ hơn nữa. Đây là điều không thể chấp nhận được và chúng ta hoàn toàn có thể ngăn điều đó xảy ra", ông Laerke tuyên bố.
Chiến sự tại Dải Gaza bùng phát sau khi Israel mở chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công hồi đầu tháng 10/2023 của Hamas. Theo giới chức Israel, 1.160 người tại nước này thiệt mạng trong vụ tấn công và các tay súng bắt khoảng 250 con tin, 130 người trong số đó vẫn ở Dải Gaza.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 29.878 người tại đây thiệt mạng vì xung đột, 70.215 người bị thương.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)