Rafael Mariano Grossi, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thuộc Liên Hợp Quốc, ngày 22/4 trả lời truyền thông Đức rằng Iran "chỉ cần vài tuần chứ không phải vài tháng" là sẽ sản xuất đủ uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Grossi nhận định chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn nhiều ẩn số đối với cơ quan giám sát quốc tế, khi các thanh sát viên IAEA phát hiện dấu vết uranium được làm giàu ở một số địa điểm chưa từng thấy trước đây. Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thanh sát viên Liên Hợp Quốc bị gây khó dễ trong tiếp cận cơ sở hạt nhân Iran.
"Dù vậy, điều này không đồng nghĩa Iran đã sở hữu vũ khí hạt nhân hay có thể sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ sau vài tuần nữa. Đầu đạn hạt nhân hoàn thiện cần nhiều yếu tố khác, không chỉ liên quan đến sản xuất vật liệu phóng xạ", ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo IAEA đưa ra nhận định giữa lúc căng thẳng Israel - Iran leo thang nguy hiểm từ đầu tháng 4, sau khi Tehran cáo buộc Tel Aviv đứng sau vụ không kích phá hủy tòa lãnh sự ở Syria và khiến hai chuẩn tướng thiệt mạng. Iran trả đũa bằng chiến dịch tập kích ngày 13/4. Đến ngày 19/4, giới chức Mỹ thông báo Israel đã tập kích trả đũa vào căn cứ không quân ở Isfahan, gần cơ sở hạt nhân Iran.
Loạt đòn trả đũa qua lại giữa hai nước làm dấy lên lo ngại xung đột leo thang nguy hiểm, với các mục tiêu tiếp theo của Israel là cơ sở hạt nhân Iran. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã cảnh báo nước này có thể cân nhắc lại học thuyết hạt nhân sau khi bị Israel dọa tấn công.
"Tập kích cơ sở hạt nhân là kịch bản không ai muốn", ông Grossi cảnh báo. "Cách các bên bình thường hóa phát ngôn về vũ khí hạt nhân, sử dụng vũ khí hạt nhân và sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei là người có quyền quyết định về chương trình hạt nhân của Tehran, vốn bị phương Tây nghi phục vụ mục đích quân sự. Ông Khamenei năm 2019 tái khẳng định chương trình hạt nhân Iran chỉ phục vụ mục đích hòa bình và phản đối chế tạo, tích trữ bom hạt nhân.
Iran năm 2015 đạt thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Mỹ năm 2018 rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.
Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán gián tiếp, với EU đóng vai trò trung gian, để khôi phục JCPOA từ tháng 4/2021 ở Vienna, Áo, nhưng tiến trình này bế tắc từ năm 2022. Ông Grossi hồi tháng 2 cho biết Iran vẫn tiếp tục làm giàu uranium với tỷ lệ tinh khiết lên tới 60%, vượt xa mức cần thiết để sử dụng cho mục đích thương mại.
Thanh Danh (Theo Times of Israel)